Saturday, June 5, 2010

Houston: Buổi Tâm Tình và Ra Mắt Sách Tuổi Thơ và Chiến Tranh của Võ Đại Tôn

Houston: Buổi Tâm Tình và Ra Mắt Sách Tuổi Thơ và Chiến Tranh của Võ Đại Tôn


Tuệ An(*)


Nguồn


Trong chuyến công du 2 tháng tại Hoa Kỳ, từ nước Úc, cựu Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Võ Đại Tôn tức tác giả Hoàng Phong Linh của nhiều tác phẩm Thơ Văn đã ghé lại Houston. Tại đây Ông đã gặp gỡ đồng hương trong “Buổi Tâm Tình và Ra Mắt Sách Tuổi Thơ và Chiến Tranh” vào chiều Chủ Nhật 30 tháng 5, 2010.


“Tôi không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ, ủng hộ tôi. Tôi tiếp tục duy trì lập trường chính trị của tôi (để tranh đấu) cho tự do và giải phóng dân tộc. Tôi đã sẵn sàng nhận bất cứ một bản án nào mà chế độ cộng sản dành cho tôi”


Đó là lời tuyên bố của ông Võ Đại Tôn trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 13 tháng 7 năm 1982 trong một đoạn phim được trình chiếu tại buổi “Tâm Tình và Thơ Nhạc Hoàng Phong Linh – Võ Đại Tôn và ra mắt tác phẩm Tuổi Thơ và Chiến Tranh” do Liên Minh Quang Phục Việt Nam tổ chức tại Houston cuối tuần qua. Đoạn phim do phóng viên Mori của đài Truyền hình Nhật Bản TV-NHK thâu được. Và câu tuyên bố đó của ông Võ Đại Tôn là ngoài sự tiên liệu của nhà nước Việt Nam, và cuộc họp báo chấm dứt ngay sau lời tuyên bố của ông. Sự can cường của ông đã làm thế giới khâm phục nhưng cũng là nguyên nhân khiến ông bị tù biệt giam 10 năm tại trại tù Thanh Liệt với những lần bị tra tấn dã man, cho đến năm 1992 mới được trục xuất về lại Úc Đai Lợi.Là một cựu sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông Võ Đại Tôn và gia đình vượt biển định cư tại Úc năm 1975. Đến năm 1980 ông cùng với những người đồng chí hướng đã trở lại Việt Nam xuyên qua đường bộ Thái Lan, Campuchia và Ai Lao để tham gia kháng chiến phục quốc nhưng bị bắt tại biên giới Lào Việt vào tháng 10 năm 1981.


Giới thiệu tác giả Hoàng Phong Linh và tác phẩm của ông là Luật sư Hoàng Duy Hùng, người cũng đã từng về Việt Nam để mưu cầu phục quốc và cũng đã bị giam cầm trong lao tù của nhà nước Việt Nam gần 2 năm, nói là trong tác phẩm Tuổi Thơ và Chiến Tranh, bài thơ Nước Trôi Mồ Mẹ đã được tác giả viết trong bối cảnh nước lụt dâng tràn, sắp cuốn trôi mồ mẹ của ông, người đã bị cộng sản giết năm 1947, và đã khiến Hoàng Phong Linh liên tưởng đến cơn lụt chính trị đang cuốn trôi cả Mẹ Việt Nam.

“Đó là bối cảnh của một dòng sông, e rằng nước dâng lên trôi luôn cả xương cả cốt của mẹ mình vì cái tội tàn ác của cộng sản Việt Nam, thời kỳ 1946 Việt Minh nổi dậy ở Đà Nẵng. Nhưng mà còn là cái biến cố trôi trong tâm hồn của ông; Việt Nam đau khổ sẽ bị cuốn trôi, cuốn trôi trong dòng nước bạo lực này, giòng nước của bạo tàn… Trong tâm tư đó, ông Võ Đại Tôn đã viết bài đó …”


Trong phần tâm tình với đồng hương, ông Võ Đại Tôn đã kể lại những câu chuyện đau lòng ông đã gặp mà điển hình là chuyện “Miếu Ba Cô”:

“Trên những trạm tỵ nạn hoang vu, tôi đã thấy những ngôi mộ hoang tàn, lạnh lùng, không khói không nhang. Những mộ bia bị đập nát tan, và trong khu rừng âm u, tôi thấy một cái miếu nhỏ. Tôi đã hỏi người Nam Dương cái miếu này là miếu gi. Thì ông ta nói đây là cái miếu của 3 cô gái Việt Nam đã bị hải tặc hãm hiếp và trôi dạt vào bờ, còn sống, họ vớt lên được. Nhưng vì uất hận, nhục nhã, 3 cô gái Việt Nam chưa đầy 20 tuổi đã lén ra ngoài khu rừng treo cổ, tự tử trên nhánh cây. Và người Nam Dương đã lập miếu thờ và gọi là Miếu Ba Cô”


Và chuyện tấm ảnh của các em bé gái Việt Nam 5, 6 tuổi đang làm nô lệ tình dục tại Campuchia, do một người bạn phóng viên của ông gửi cho:

“Một ký giả ngoại quốc quen với tôi đi Campuchia và gửi về cho tôi một tấm ảnh, với giòng chữ viết ‘Hãy nhìn tấm ảnh này để thấy cả dân tộc của anh’. Ông ta chỉ viết như vậy thôi. Tôi lật tấm ảnh ra và tôi bàng hoàng, đấy là hình của 4 người con gái Việt Nam khoảng 6 tuổi, 7 tuổi, ngồi co ro trong một cái vách ở Campuchia và hai chân đầy cả máu. Những người con gái Việt Nam 5, 6 tuổi đã bị bán qua Campuchia để làm công cụ tình dục. Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có chuyện này. Chỉ có dưới chế độ cộng sản ngày nay”


Và ông cũng nói lên ước vọng là muốn trao lại cho giới trẻ tinh thần bất khuất trước bạo lực và được đồng hành cùng thế hệ trẻ, một cuộc hành trình công tâm để dựng lại niềm tin và cùng hy sinh cho Mẹ Việt Nam :

“Thế hệ chúng tôi xin được hòa đồng cùng tuổi trẻ Việt Nam để từ đó chúng ta kết hợp lòng người giữa hai dòng thế hệ, để đòi lại quyền sống cho dân tộc Việt Nam. Tôi xin gửi lại cho các bạn trẻ những máu xương của anh em chúng tôi đã đổ xuống trên chiến trường miền Nam trong quân đội Việt Nam anh hùng nhưng đã bị bức tử sau những cánh cửa khép kín tại Hoa Thịnh Đốn, tại Ba Lê, tại Bắc Kinh và tại Moscow. Anh em chúng tôi đã ngậm ngùi buông súng xuống … nhưng không trao lại cho thế hệ tuổi trẻ những nỗi ngậm ngùi đó, mà xin trao lại cho tuổi trẻ cái tinh thần bất khuất của những người đã dám hy sinh cho tổ quốc.”


Có mặt trong buổi Tâm Tình này, phu nhân của ông Võ Đại Tôn tâm sự là mặc dù bà rất buồn khổ khi ông bị tù đày nhưng so với vợ của các nhà đấu tranh cho Dân Chủ trong nước thì bà còn may mắn hơn nhiều:

“Tôi cũng có sự đau khổ khi phải xa chồng nhưng tôi nghĩ đến những người đàn bà Việt Nam, sống trong hoàn cảnh rất là khó khăn. Cuộc sống đã khó khăn mà tiếng nói lại nhỏ bé, họ không làm gì được …”


Buổi họp mặt có nhiều người trẻ tham dự, nha sĩ Chu Văn Cương chia sẻ là ông Võ Đại Tôn đã đem lại niềm phấn khởi cho giới trẻ Việt Nam và NS Cương cũng đồng ý với quan điểm là các thế hệ phải đồng hành để đạt được sư tín nhiệm của mọi người trong nỗ lực vận động cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền tại Việt Nam:

“Ông Võ Đại Tôn đã đem lại thêm niềm hy vọng cho những người ở đây. Nhờ vậy chúng tôi cảm thấy rất là phấn khởi để tiếp tục con đường đấu tranh mà mình đã chọn. Đây là một đường lối rất tốt và nếu chúng ta thắng được nhân tâm thì chúng ta sẽ đi tới được đoạn đường tốt đẹp hơn…”


(*) Tuệ An là bút hiệu của Hiền Vy và Nguyễn Phục Hưng khi viết chung

Tuesday, June 1, 2010

Ngôi Làng Mang Tên Versailles - A Village Called Versailles

Ngôi Làng Mang Tên Versailles


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, May 26, 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Sau biến cố 1975, hàng triệu người Việt đã bỏ quê hương đi tìm tự do. Trong số này có nhiều người đã vượt biển ra đi và cuối cùng định cư tại vùng ven biển ngoại ô thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, Hoa kỳ. Trong hơn 30 năm qua, họ tạo lập một làng Việt Nam trù phú với dân số khoảng 6000 người, ngôi làng mang tên Versailles. Dân làng Versailles đã sống yên vui sung túc nhưng thầm lặng, biệt lập và ít người biết đến sự hiện diện của họ nếu không có trận bão Katrina đã tàn phá vùng biển Louisiana năm 2005 và những bất công xảy đến cho họ sau đó.


Cơn bão Katrina gây nhiều thiệt hại về tài sản và nhân mạng cho New Orleans và phá hủy gần như toàn diện làng Versailles. Với tinh thần tự lập và kinh nghiệm qua bao nhiêu lần chạy nạn Cộng sản, những người Việt Nam lại phải một lần nữa xây dựng lại cuộc sống, khắc phục thiên nhiên và họ đã thành công sau vài tháng trong khi đa số dân bản xứ vẫn còn chờ đợi sự giúp đỡ của chính phủ. Trớ trêu thay một tai họa nữa lại đến với họ khi chính quyền quyết định chọn khu đất bên cạnh làng Versailles làm nơi đổ hàng triệu tấn rác do bão Katrina gây ra, có khả năng làm ô nhiễm ngôi làng họ sinh sống từ 30 năm nay. Linh Mục linh hướng Nguyễn Thế Viễn, thuộc giáo xứ Nữ Vương Maria tại làng Versailles giải thích về tình trạng này như sau:

“Thành phố, tiểu bang và liên bang quyết định mở một bãi rác tại ngay cạnh làng chúng tôi, cách khoảng 1 dặm 2. Tầm mức cỡ chừng 100 mẫu Mỹ, tức là khoảng 6 triệu 3 mét khối rác. Họ định mang đến đổ ở đó và chúng tôi phải đứng ra để chống. Và sau 6 tháng tranh đấu, chúng tôi đã thành công…”


Những người dân làng Versailles tuy chất phác hiền lành nhưng kiên trì cho lý tưởng Tự do và Công bình đã cương quyết phản đối những bất công của chính quyền địa phương. Cuộc tranh đấu của họ làm cho người bản xứ xúc động và khâm phục . Cuộc tranh đấu này được đạo diễn Leo Chiang ghi lại qua cuốn phim tài liệu “The Village Called Versailles” tạm dịch là “Ngôi Làng Mang Tên Versailles” . Cuốn phim này được giới thiệu trong tuần qua tại Đai Hoc Rice, một viện đại học nổi tiếng Hoa Kỳ tại Houston trước khi trình chiếu trên đài truyền hình PBS, ( Public Broadcasting Services) cho công chúng vào tối thứ Ba, ngày 25 tháng Năm.

Linh mục Nguyễn Thế Viễn có mặt trong buổi trình chiếu tại Đại Học Rice chia sẻ những khó khăn trong việc tranh đấu để thành phố New Orleans hủy bỏ quyết đinh làm bãi rác bên cạnh làng Versailles:

“Cái khó của mình là tất cả mọi thứ đã được sắp xếp thành chuyện đã rồi từ trong chính quyền thành phố, tiểu bang và liên bang trong khi đó thì tiếng nói của mình nó yếu. Trước đó thì họ (chính phủ) nghĩ là cái đó là cộng đoàn Việt Nam thì để cho họ (chúng tôi) lo, nhưng mà chúng tôi vận động để cho thấy là nó ảnh hưởng đến chúng tôi thì cũng ảnh hưởng đến mọi người chung quanh vì chúng tôi là một phần của nơi đó”


Cuộc tranh đấu cho công lý của những người Mỹ gốc Việt trong một ngôi làng nhỏ bé đã vang động khắp nước Mỹ và các chính khách tại thủ đô Hoa Thinh Đốn cũng như địa phương đã thay đổi lập trường và lắng nghe tiếng nói của họ. Rút tỉa kinh nghiệm của cuộc vận động khó khăn này, linh mục Viễn đã khuyến cáo rằng sống trong một xã hội dân chủ như Hoa Kỳ mọi người cần phải tham gia tích cực vào việc bầu cử và ứng cử để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng:

“… phải tham gia vào dòng chính của xã hội, gồm vấn đề ghi danh để mà đi bầu, đồng thời đóng góp vào trong khía cạnh chính trị…”


Theo linh muc Viễn thì chính những bất công xảy ra tại Versailles là nguồn động lực dẫn đến sư ứng cử và thành công của dân biểu Hạ Viện gốc Việt đầu tiên là Cao Quang Ánh:

“Dân biểu Cao Quang Ánh thuộc vào Công đoàn đó, và chính vì bãi rác đó, cái sự bực tức khi thấy những bất công của xã hội mà ông ấy đúng ra để tranh cử …”


Buổi chiếu phim có sự tham dự của nhiều khán giả Việt Mỹ và khán giả có cơ hội chia sẻ cảm nghĩ và thắc mắc với một thuyết trình đoàn trong đó có linh mục Nguyễn Thế Viễn. Một khán giả người Mỹ là ông Richards nói rằng ông rất chú ý đến sự đoàn kết của cộng đồng dân làng Versailles và thấy là giới trẻ đã tích cực giúp những ngưới lớn tuổi vượt qua các trở ngại ngôn ngữ để đạt được thắng lợi chung:
SB Richards

Một thành viên của tổ chức Thuyền Nhân SOS là Cô Pha Lê, thì hãnh diện sau khi xem phim vì thấy cộng đồng Việt Nam rất gắn bó và các ngưòi trẻ cũng tích cực tham gia trong cuộc tranh đấu:

“Tuổi trẻ đã hợp tác với cộng đồng và đã tiếp tay để làm cho cộng đồng này thành công. Tôi rất hãnh diện sau khi xem phim này”


Một khán giả khác là Luật Sư Võ Hoàng An Phong đồng ý với cô Pha Lê và nhắc lại ý kiến của linh muc Viễn là giới trẻ không nên ngại ngùng làm việc cùng thế hệ lớn tuổi dù có trở ngại về tiếng Việt và nên sẵn sàng tham gia vào chính trị giòng chính.

“… người Việt mình nên đi bầu và cùng lúc đó thì cũng nên nghĩ đến việc ra ứng cử…”


Bà July Coan, giám đốc truyền thông của đài PBS thì rất khâm phục sự kiên trì đoàn kết của cộng động làng Versailles và bà hy vọng rằng mọi người có dịp xem phim này:
SB July Coan

Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Tuesday, May 25, 2010

Triển Lãm Ảnh Nghệ Thuật Tại Houston

Triển Lãm Ảnh Nghệ Thuật Tại Houston


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, May 19, 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Người Việt tại Houston là một cộng đồng có nhiều sinh hoạt đa dạng. Ngoài các sinh hoạt chính trị, từ thiện… người Việt tại đây còn thường xuyên có nhiều sinh hoạt văn hóa xã hội. Trưa Thứ bảy, ngày 8 tháng 5, năm 2010, hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam, vùng Trung Nam Hoa Kỳ đã khai mạc một buổi triển lãm kéo dài 1 tuần tại Houston.

Hội trưởng Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ là giáo sư Lê Văn Khoa đến từ tiểu bang California để tham dự buổi khai mạc này. Ông không chỉ là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Việt Nam mà còn là một nhạc sĩ tài ba. Ông cho biết Hội chính thức thành lập tại Viêt Nam từ năm 1968, và tiếp tục hoạt động tại Hoa Kỳ . Hội có nhiểu phân hội ở các vùng khác nhau . Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam, Vùng Trung Nam Hoa Kỳ có trụ sở tại Houston được chính thức thành lập từ năm 1982. Được hỏi cảm tưởng về cuộc triển lãm này, ông Lê Văn Khoa nói đây là một niềm vui lớn vì ông thấy năm nay Houston có thêm nhiều hội viên mới và các tác phẩm trưng bày cũng có nhiều tiến bộ về nghệ thuật:

“Niềm vui lớn là thấy có nhiều anh em mới tham gia và những anh em cũ đều có tác phẩm vượt trội hơn những năm trước. Có nghĩa là có sự tiến bộ, và sự tiến bộ chung đó mới là quan trọng”


Ông Võ Văn Thạnh, Hội trưởng Phân Hội Ảnh Nghệ Thuật vùng Trung Nam Hoa Kỳ cho biết là Hội có nhiều hội viên, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ 26 đến 78 tuổi. Theo ông, với người lớn tuổi thì nhiếp ảnh là môn giải trí thanh nhã, còn các bạn trẻ thì đi tìm sáng tạo nghệ thuật nhưng họ có cùng mục đích là mong đóng góp nghệ thuật của người Việt vào xã hội Hoa Kỳ:

“Ngoài chuyện cho cá nhân mình thì mình còn để lại cho đời, cho xã hội này sự đóng góp về nghệ thuật của người Việt Nam chúng ta”


Đề cập đến các sinh hoạt của hội ảnh vùng Trung Nam Hoa Kỳ mà đa số là tại Houston, ông Võ Văn Thạnh cho biết là ngoài các buổi họp hàng tháng để chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên, Hội còn tổ chức những chuyến đi xa săn hình nhiều nơi trên Hoa Kỳ, Canada hay có khi đi xa như Viêt Nam nữa, và mỗi chuyến kéo dài 1 hay 2 tuần. Ngoài ra, vẫn theo ông Thạnh, hàng năm Hội có tổ chức triển lãm và các khóa hướng dẫn chụp ảnh nghệ thuật miễn phí để nâng cao trình độ thưởng lãm cũng như kỹ thuật nhiếp ảnh của đồng hương:

“Mỗi năm chúng tôi mở lớp dạy nhiếp ảnh miễn phí để cho người Việt chúng ta có cơ hội học hỏi, tìm tòi để từ đó biết nghệ thuật nhiếp ảnh…”


Buổi triển lãm được đồng hương Houston yêu chuộng ảnh nghệ thuật đón nhận nồng nhiệt. Dân biểu tiểu bang Texas Hubert Võ trao tặng bằng ban khen của quốc hội Texas cho ông Hội Trưởng Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam và ca tụng tinh thần phục vụ nghệ thuật của hội ảnh:

“Hôm nay tiểu bang Texas chúc mừng Hội đã được nhiều năm thành lập và cũng xin chúc mừng buổi triển lãm hôm nay”


Nhiếp ảnh gia kỳ cựu Văn Vũ đến xem triển lãm nhận xét là năm nay có nhiều tác phẩm trưng bày hơn, đẹp hơn những năm trước, các tác phẩm đa dạng và phong phú hơn:

“Rất là nhiều ảnh và đa dạng cũng như là về phong cách của mỗi người nhiếp ảnh thì tôi thấy có nhiều phong cách khác nhau…”


Một bà khách lớn tuổi là Bà Ngọc Hương đồng ý với nhận xét của nhiếp ảnh gia Văn Vũ và nói rằng cuộc triển lãm năm nay có rất nhiều ảnh nghệ thuật:

“Mỗi một năm thì hình ảnh càng đẹp hơn, càng nhiều nhân tài hơn nữa nên cho những bức ảnh nghệ thuật rất đẹp, rất sâu sắc”


Một hội viên có ảnh được giải thưởng đang trưng bày trong phòng triển lãm là Bà Thu Nguyệt chia sẻ sự vui mừng của bà:

“Dạ, rất vui mừng khi được lãnh giải tại vì tôi cũng cố gắng học. Năm nay là năm thứ 2..”


Nhiều bạn trẻ cũng đến tham dự buổi triển lãm. Cô Thùy Liên cho biết là năm nào Cô cũng đến xem triển lãm của hội ảnh nghệ thuật và năm nay cô rất vui vì thấy có thêm nhiều ảnh để xem:

“Tôi cũng đi coi nhiều năm thì thấy năm nay có nhiều hình rất phong phú, đẹp lắm. Có nhiều tấm hình rất đặc biệt”


Cuộc triển lãm cũng thu hút nhiều khách hâm mộ nghệ thuật người Hoa Kỳ. Ông Ron Harvey, một cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng thật là một điều tốt khi những người gốc Việt có cùng sở thích đã quy tụ để cùng tổ chức được buổi triển lãm nghệ thuật này:
SB Harvey

Một người Hoa Kỳ khác là bà Owen thì thấy các tác phẩm nhiếp ảnh có nhiều nét rất đặc biệt:
SB Owen

Cuộc triển lãm có nhiều ảnh đẹp và đa dạng dưới góc nhìn khác nhau của các nhiếp ảnh gia , từ vùng cao nguyên Việt Nam đến những cụ già người da đỏ, thổ dân Hoa Kỳ, rồi đến những sinh hoạt hàng ngày tại Houston. Những bức ảnh nghệ thuật đã phản ánh ước vọng của hội ảnh là ‘để lại cho xã hội một đóng góp nghệ thuật của người Việt’ như lời ông hội trưởng Võ Văn Thạnh đã chia sẻ.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Nhóm (Từ Thiện) Tình Thương tại Houston

Họp mặt gây quỹ của Nhóm Tình Thương


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, May 12, 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM

Nguồn


Sau 35 năm rời bỏ quê cha đất tổ, hàng triệu người Việt lưu vong khắp nơi trên thế giới đã có cuộc sống ổn định. Nhìn về quê hương với rất nhều người bất hạnh, từ các em bé bịnh tật đến các cụ già neo đơn, thiếu ăn thiếu mặc, nhiều hội đoàn tôn giáo cũng như tư nhân đã có những chương trình từ thiện nhằm giúp đỡ những người thiếu may mắn. Tại Houston có rất nhiều cơ quan từ thiện giúp Việt Nam, trong số này có Nhóm Từ Thiện Tình Thương tức là “The Abandoned Little Angles", tạm dịch “những thiên thần nhỏ bé bị lãng quên”, là một hội Thiện Nguyện giúp đỡ những trẻ em nghèo khuyết tật trong nước.

Vào giữa tháng Tư vừa qua, Nhóm Từ Thiện Tình Thương đã tổ chức một buổi tiệc gây quỹ tại Houston, với hơn 600 quan khách tham dự. Hội trưởng Nhóm Tình Thương là Bà Tú Chung cho biết Nhóm Tình Thương đang giúp đỡ khỏang 3000 trẻ em nghèo khuyết tật tại trên 60 địa điểm ở Việt Nam, từ Nam ra Bắc, không phân biệt tôn giáo. Mỗi năm Nhóm có các chuyến về Việt Nam để mang quà đến các trẻ em qua sự tổ chức của các nhà dòng Công giáo cũng như các Chùa, mà không qua các quan chức địa phương tại Việt Nam.

“Chúng tôi đã giúp được trên 60 nơi bên Việt Nam từ Cà Mâu cho đến Tất Khê, gần Cao Bằng. Chúng tôi ước lượng khoảng gần 3 ngàn em”


Linh Mục Phạm Hậu là Linh Mục Tuyên úy của Nhóm Tình Thương chia sẻ tình trạng thương tâm của các trẻ em khuyết tật đang bị bỏ rơi mà ông có dịp chứng kiến khi hướng dẫn Nhóm Tình Thương về Việt Nam.

“Các em bị khuyết tật rất là nhiều ở Việt Nam. Nhiều em sinh ra bị câm, đui, mù … rất là nhiều. Nhiều khi bố mẹ không chịu nuôi, thấy con em bị khuyết tật thì vất ra ngoài đường vì họ không có tiền để nuôi, cho nên rất là tội …”


Trong số những người hoạt động hăng say để trợ giúp các hoạt động từ thiện của Nhóm Tình Thương tại Việt Nam có Linh Mục Frederic Rossignol, là một tu sĩ trẻ người Bỉ (Belgium). Linh mục Rossignol có tên Việt là Trần Sỹ Hòa và ông có thể nói tiếng Việt rất lưu loát. Linh mục Trần sỹ Hòa chia sẻ ông rất vui trong việc mang nụ cười đến cho các trẻ em bất hạnh trên các vùng quê Việt Nam trong 3 năm qua:
“Cha rất vui cộng tác với Nhóm Tình Thương từ 3 năm rồi …”


Linh Mục Phạm Hậu cũng nói là Nhóm luôn cố gắng tránh mọi sự thất thoát, bằng cách tổ chức mang thẳng quà tặng đến tận tay các em và mặc dù công tác từ thiện của Nhóm đôi khi gặp trở ngại từ các quan chức Việt Nam nhưng Nhóm vẫn luôn giữ được tính cách độc lập trong các cuộc cứu trợ:

“Chính quyền hoàn toàn không giúp đỡ gì cả mà nhiều khi còn gặp trở ngại nữa như là họ làm khó dễ mình …”


Đề cập đến sự e ngại của nhiều người cho rằng việc giúp đỡ của họ vô tình tạo cơ hội cho nhà nước Việt Nam càng bỏ rơi các trẻ em bất hạnh, Linh Mục Phạm Hậu nói rằng đã hơn 30 năm qua các trẻ em này chỉ trông nhờ vào tình thương của các nhóm từ thiện mà thôi.

“Như chúng ta thấy, hơn 30 năm rồi Cộng sản chẳng làm gì hết. Bây giờ, nếu mình nghĩ như vậy mà mình không giúp mà để Cộng sản tự lo lấy, họ cũng chẳng lo đâu”


Nhiều tín đồ các tôn giáo khác cũng tham gia công tác từ thiện này. Một Phật Tử là Bà Tâm Hạnh nói là chương trình của Nhóm Tình Thương rất thiết thực và bà đến để hỗ trợ.SB Tâm Hạnh
Có nhiều bạn trẻ cũng hăng hái giúp đỡ ban tổ chức. Em Linh đang bận rộn tiếp khách nói là em biết mục đích của buổi gây quỹ là quyên góp để giúp đỡ các trẻ em bất hạnh tại Việt Nam nên đến giúp Ban Tổ Chức :
SB Linh

Trong các khách tham dự còn có nhiều người thuộc các sắc dân khác. Một người Mỹ gốc Hoa là ông James Woo, cũng hân hoan đến tham dự để ủng hộ công tác từ thiện của Nhóm Tình Thương:
SB Jame Woo.

Buổi tiệc gây quỹ thành công tốt đẹp và kết quả cho biết là ban tổ chức đã quyên góp được một ngân quỹ khoảng 83,700 Mỹ Kim để giúp đỡ các trẻ em bất hạnh tại quê nhà.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Lễ Tưởng Niệm Đêm Quốc Hận 30/4/1975 Tại Houston

Lễ Tưởng Niệm Đêm Quốc Hận 30/4/1975 Tại Houston

Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, May 5, 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Trong những ngày cuối Tháng Tư 2010, Cộng Đồng người Việt tại Houston đã có môt loạt những sinh hoạt cộng đồng để tưởng niệm biến cố 30 tháng Tư, 1975. Ngày thứ Bảy24 tháng Tư thì có Đêm Không Ngủ tại trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia để cùng chia sẻ nỗi vui buồn trong những ngày Tháng Tư năm 1975. Cao điểm của sinh hoạt tháng tư là buổi lễ được ban tổ chức đặt tên là Lễ Tưởng Niệm 35 Năm Quốc Hận vào tối Chủ nhật 25 tháng Tư. Vào trưa thứ sáu ngày 30 Tháng Tư còn có một cuộc biểu tình của nhiều người Việt trước tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam, kêu gọi nhà nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền và bảo vệ lãnh thổ.

Riêng buổi lễ mang tên Lễ Tưởng Niệm 35 Năm Quốc Hận vào tối Chủ nhật, ngày 25 tháng Tư có sự tham dự của khoảng 5000 đồng hương, kể cả các phái đoàn cộng đồng người Việt tại các tỉnh lân cận như Austin, San Antonio và Dallas cũng như nhiều vị lãnh đạo tôn giáo, chính tri và quan khách địa phương. Chương trình lễ Tưởng Niệm ngoài phần nghi lễ cầu nguyện cho đất nước và dân tộc được an bình hạnh phúc của các vị trong hội đồng liên tôn và phần phát biểu của các chức sắc Việt-Mỹ trong cộng đồng còn có phần văn nghệ do các nghệ sĩ địa phương, và các thành viên đoàn Hưng Ca đến từ nhiền nơi trên Hoa Kỳ.

Những người tham dự đã hoan hô vang dậy khi 35 ngọn đuốc tượng trưng cho 35 năm sống xa quê hương được các em sinh viên học sinh rước lên khán đài trong tiềng hát của đoàn Hưng Ca.

Phát biều trong buổi lễ, dân biểu liên bang đơn vị Houston, là ông Al Green tuyên bố là ông sẽ luôn ủng hộ ước vọng của cộng đồng người Việt là đòi hỏi dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam:
SB Al Green


Nghị Viên thành phố là Luật sư Hoàng Duy Hùng, với tư cách đại diện cho Thị trưởng và Hội Đồng thành phố Houston phát biểu là Thị Trưởng và Hội đồng thành phố ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng người Việt vào việc phát triển Houston trong suốt 35 năm qua và luôn ủng hộ nguyện vọng đòi Tự do và Dân chủ cho Việt Nam của cộng đồng người Việt.

“Thành phố công nhận nơi quí vị là một tập thể đã đóng góp cho thành phố giàu mạnh trong 35 năm qua … cho nên thành phố lúc nào cũng sát cánh với quí vị trong công cuộc đấu tranh cho Tự do, Dân chủ trong nước…”


Những người tham dự buổi lễ đã vẫy cờ và hô to những khẩu hiệu đòi tự do và dân chủ cho Việt Nam, nhất là khi ban tổ chức loan báo sẽ có biểu tình trước tòa Tổng Lãnh Sự vào trưa ngày Thứ sáu, 30 Tháng Tư năm 2010.
SB


Tuy nhiên cũng có những người đi dự với nét trầm mặc suy tư. Ông Thắng đã tâm sự 30 tháng Tư là một ngày buồn, vì ngày này cũng là ngày giỗ cha của ông và làm ông nhớ những ngày lao động liên tục cho đến khi ông vượt biển tìm tự do:

“Cha mẹ tôi chết ngay ngày đó, cha tôi chết năm 1975, ngày 30 Tháng 4. Tôi ra đây để nhớ lại cái quá khứ ngày xưa khi cộng sản họ vô …”


Môt đồng hương khác tham dự buổi lễ là Bà Trang thì nói Bà đến tham dự để tưởng nhớ Tháng Tư năm xưa và góp một bàn tay giúp Việt Nam tốt đẹp hơn:

“Nhân 35 năm ngày quốc hận, tôi đến đây để tưởng nhớ ngày quốc hận, cùng nhau góp tay để làm gì đó cho nước Việt Nam better hơn”


Ông Tiên là một cựu quân nhân thì chia sẻ là cuộc sống của ông nay đã ổn định nhưng ông buồn cho số phận những cựu thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ở trong nước đang bị loại khỏi xã hội hiện tại và ông đến tham dự để góp tiếng nói cho quê hương được thanh bình:

“Đối với cá nhân và gia đình chúng tôi thì qua đây đã được ổn định nhưng vẫn còn nghĩ đến những thương phế binh của Việt Nam Cộng Hòa còn ở lại Việt Nam thật là tội nghiệp. Họ bị loại ra khỏi xã hội Việt Nam hiện nay…”


Trong khi đó thì em Hạ Vi, một thiếu nữ 18 tuổi mới từ Việt Nam qua du học với sự bảo trợ của thân nhân, nói lúc ở Viêt Nam em được dạy ngày này là ngày Chiến Thắng và em không được biết đến những đau thương của Biến Cố Tháng Tư.

“Thời gian ở Việt Nam người ta nói 30 Tháng Tư là ngày chiến thắng, độc lập … Em cũng không biết rõ …”


Và Dân Biểu tiểu bang Texas Hubert Võ thì nhắc đến ý nghĩa tích cực và cho rằng Tưởng Niệm ngày 30 tháng Tư sau 35 năm là một dịp để chúng ta cùng hướng về tương lai:

“Ngày hôm nay không chỉ là ngày chúng ta tưởng nhớ đến quá khứ, ôn lại những chuyện đã qua mà chúng ta còn phải nghĩ tới tương lai, tương lai của cộng đồng Việt Nam chúng ta, tương lai của đất nước Việt Nam. Vì vậy xin tất cả vẫn tiếp tục nắm tay vững chắc với nhau để tranh đấu cho Nhân quyền, Tự do cho đồng bào trong nước …”


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại

Triển Lãm "Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại”


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, April 28, 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Măc dù trời mưa nhưng hàng trăm người vẫn đến tham dự buổi triển lãm "Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại”, do Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam tổ chức tại Houston, tiểu bang Texas vào chiều Chủ Nhật ngày 18 tháng Tư năm 2010.

“Kể từ năm 1975, hàng triệu người đã vượt sóng băng rừng, bất chấp đại dương bao la, rừng sâu, biển động chỉ vì 2 chữ Tự Do. Những cuộc hành trình hãi hùng đầy đau thương và nước mắt chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam.'


Đó là lời phát biểu của Nha sĩ Chu văn Cương, vượt biển năm 12 tuổi, và là trưởng ban tổ chức cuộc triển lãm " Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại' tại Houston.
Nha Sĩ Chu văn Cương cho biết Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam do một thuyền nhân vượt biển tìm tự do là kỹ sư Trần Đông sáng lập tại tiểu Bang Victoria, Úc Đai Lợi từ năm 2004 và hiện cũng có trụ sở tại California, Hoa Kỳ. Ông thêm rằng song song với các nỗ lực thu thập tài liệu về thuyền nhân, Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam cũng đã tổ chức 8 chuyến Về Bến Tự Do để tạo điều kiện cho đồng hương về thăm lại các di tích tỵ nạn, trùng tu mồ mả và câu siêu cho các nạn nhân đã chết và Houston là trạm đầu tiên của cuộc triển lãm Thuyền Nhân Việt Nam lưu động trên khắp thế giới trong năm 2010.

“Văn Khố Thuyền Nhân còn tổ chức cho tới nay là 8 chuyến đi “Về Bến Tự Do” để thăm các quốc gia như Mã Lai, TháiLan, Nam dương, thăm lại các trại tị nạn, đồng thời tổ chức lễ cầu siêu cho các linh hồn ở đó…”


Ông Trần Đông vượt biển tìm tự do năm 1989, tị nạn tại đảo Bidong , Mã Lai lúc 37 tuổi trước khi được định cư tại Úc Đại Lợi. Ông Trần Đông cho biết mục đích của Văn Khố Thuyền Nhân là sưu tập tài liệu về các cuộc đi tìm tự do của người Việt sau biến cố 30 tháng tư 1975, để lưu trữ tại các văn khố quốc tế vì đây là những dữ kiện không những quan trọng cho lịch sử Việt Nam mà cũng rất quan trọng cho lịch sử nhân loại của toàn thế giới. Ông cũng nhấn mạnh là cuộc triển lãm các tài liệu này không phải là để nhắc lại hận thù mà là để cho chúng ta cũng như các thế hệ mai sau biết được giá trị của tự do.

“Mục đích của cuộc triển lãm không phải là khơi lại niềm đau dĩ vãng , không phải lả để khơi lại sự hận thù. Buổi triển lãm thuần túy là một sự kiện xã hội, lịch sử, nhắc nhở nhau một giai đoạn bi hùng, một thực tế sinh động tạo nên một bước ngoặc to lớn trong vòng lịch sử 4 ngàn năm của dân tộc Việt Nam và là một tổ quốc đầy ý nghĩa của lịch sử nhân loại”


Trong ánh nến lung linh tại khu triển lãm, thời gian như ngưng đọng khi mọi người cùng im lặng cầu nguyện cho những người bất hạnh trên đường đi tìm tự do. Luật sư Nguyễn Mỹ Linh, một trong những thuyết trình viên của buổi triển lãm đã chia sẻ rằng trong thời gian làm luật sư di trú tại Úc, Bà đã biết được là chính những cái chết thương tâm của hàng trăm ngàn người trên biển cả, những câu chuyện thương tâm của những người bị hải tặc hãm hiếp là lý do khiến các nước Tự do đã thay đổi chính sách di trú để đón nhận người tị nạn:

“Chính vì cái chết của hàng trăm ngàn người đã nằm xuống lòng biển cả. Chính vì những câu chuyện thương tâm của những người đã từng bị hãm hiếp. Chính vì những ngôi mồ tập thể vẫn còn nằm lại ở Mã Lai, ở Nam Dương… mà các nước như Úc, như Hoa Kỳ, và nhiều nước khác mở rộng chính sách di trú của họ để đón tiếp những người Việt Nam tị nạn”


Trong các người xem triển lãm có cô Lệ Hằng là một thuyền nhân vượt biển năm 1980 vào được Thái Lan sau những lần bị hải tặc cướp bóc đã tâm sự là nhớ lại cảnh vượt biển cô vẫn còn sợ nhưng Cô rất vui vì ngày nay Cô có cuộc sống an lành và Cô cảm ơn ban tổ chức đã cho Cô có cơ hội thấy lại những hình ảnh cũ:

“Ngày xưa mình đã cực khổ, bây giờ có một sự họp mặt để nhớ tưởng lại bà con làm em rất cảm động. Nhớ lại thì sợ …”


Một thuyền nhân khác là anh Nguyễn Trung Lễ đã kể lại sau khi cha anh ra khỏi trại tù thì mấy cha con cùng vượt biển năm 1979 nhưng khi đến được Mã Lai thì lại bị đuổi nhưng cuối cùng con thuyền đã đến được Nam Dương tị nạn . Anh chia sẻ rằng năm 1954 dân Việt phải chạy nạn công sản và năm 1975 lịch sử lại tái diễn trong những hoàn cảnh nguy hiểm hơn và anh tin rằng người Việt vẫn can đảm ra đi tìm tự do nếu chế độ độc tài vẫn tồn tại.

“Năm 1954 đã có một cuộc di tản của dân tộc mình để tránh chế độ Công sản rồi đến năm 1975 thì lại một lần nữa nhiều triệu người bất chấp hải tặc, sóng gió cũng chấp nhận những nguy hiểm để chạy trốn một chế độ thì theo cái đà như vậy, nếu một chế đô như vậy được lập lại thì người Việt sẽ tìm mọi cách, chịu mọi sự nguy hiểm để vượt thoát”


Hằng trăm chứng tích bi thương của thuyền nhân đã được trưng bày. Nhiều đồng hương đã không ngăn được những xúc động bất ngờ khi xem triển lãm thấy được hình ảnh của chính họ và thân nhân trong trại tị nạn hay tìm ra tung tích của những người thân đã mất tích.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Ra mắt sách: Từ Bauxite Đến Uranium

Ra mắt sách "Từ Bauxite đến Uranium" và hội luận về việc khai thác Bauxite tại Việt Nam


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh ngày Thứ Tư, April 21 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Chiều Chủ Nhật ngày 18 tháng Tư, năm 2010 một buổi ra mắt tác phẩm “Từ Bauxite đến Uranium” của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, Tiến sĩ Phạm Văn Song và học giả Trần Minh Xuân đã được tổ chức tại Houston với sự hiện diện của nhiều quan khách. Buối ra mắt sách cũng là một buổi hội luận về ảnh hưởng của dự án Bauxite vào chính trị, văn hóa và an ninh của Việt Nam.

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đại diện cho 3 tác gỉả, đã có mặt trong buổi ra mắt sách. Người điều hợp chương trình là ông Nguyễn Trẩn Quý, giới thiệu tác giả Mai Thanh Truyết là một chuyên gia tốt nghiệp tại Pháp, đang làm việc tại California, có nhiều kinh nghiệm về địa chất và môi sinh cũng như có nhiều tác phẩm nghiên cứu đã được xuất bản.

“Từ khi đến Mỹ đến nay ông Mai Thanh Truyết đã giữ nhiều chức vụ trong guồng máy của chính quyền Hoa Kỳ. Ông là chủ tịch của hội đồng quản trị Hội Khoa Học Việt Nam. Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đã bỏ rất nhiều thì giờ để nghiên cứu và viết rất nhiều những bài khảo cứu giá trị…”


Tác giả Mai Thanh Truyết cho biết nhóm ông đã bắt đầu công cuộc nghiên cứu về dự án Bauxite tại ViệtNam khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành nghị quyết 197, cho phép Trung Quốc khai thác Bauxite tại cao nguyên Trung Phần. Ông và các vị đồng tác giả trình bày kết quả của cuộc nghiên cứu trong tác phẩm “Từ Bauxite đến Uranium”, nêu lên những nghịch lý về kinh tế, xã hội, môi sinh và kỹ thuật của dự án Bauxite Viet Nam và đi đến kết luận là việc khai thác Bauxite chỉ là một dàn cảnh để che dấu sự xâm lăng ngầm của Trung Quốc vì họ nhằm vào các mỏ quặng Uranium tại vùng này và họ đang có dụng ý xâm lấn từng phần vùng cao nguyên Trung Phần Việt Nam mà mọi người cần cảnh giác.

“Nhân từ nghị quyết 197 của Thủ tướng Cộng sản Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2008, nói về việc giao cho Trung Cộng khai thác Bauxite, thì từ đó chúng tôi theo dõi những cái tiến trình xây dựng cũng như những vấn đề môi trường. Kết luận của chúng tôi là vấn đề khai thác Bauxite của Trung Cộng chỉ là cái diện nhưng cái điểm chính là không phải vấn đề đó. Đó là bài toán mà chúng tôi cố gắng để chia sẻ với cộng đồng Houston hôm nay”


Sinh viên dược khoa Phan Hữu Chí là người giới thiệu tác phẩm nói rằng cuốn sách này nói lên những bí ẩn trong dự án Bauxite tại Việt Nam và có giá trị như một bó đuốc soi đường cho tuổi trẻ để biết hiện tình đất nước:

“Cuốn sách có giá trị như một bó đuốc để soi đường cho tuổi trẻ và hướng dẫn những người tuổi trẻ như chúng tôi để hiểu rõ mình sẽ làm gì cho quê hương, đất nước và dân tộc”


Bình luận về một nguồn tin gần đây là ngân hàng Citi Bank tại Hoa Kỳ loan báo sẽ đầu tư 200 triệu mỹ kim vào dự án Bauxite Viet Nam, TS Mai Thanh Truyết tỏ ý nghi ngờ, không tin đây là một việc đầu tư thực sự mà chỉ là một mánh khóe chính trị nhằm đánh lạc hướng sự chống đối của mọi người. Ông thêm rằng ông cần tìm hiểu và ông khằng định là nếu quả thực Citi Bank có việc đầu tư này thì ông sẽ phản kháng lên các giới có thẩm quyền với tư cách một công dân Hoa Kỳ vì Chính phủ Hoa Kỳ đang dùng tiền thuế của dân chúng để tài trợ cho Citi Bank qua khỏi sự phá sản.

“Chúng tôi nhìn vấn đề này dưới tính cách chính trị nhiều hơn là kinh tế. Với tư cách của một người đóng thuế cho chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi hoàn toàn không đồng ý và nếu đó là một ký ước thực sự giữa Citi Bank và Việt Nam thì chúng tôi với tư cách là một công dân sẽ lên tiếng phản đối”

Trong số những người tham dự buổi họp mặt, bà Lê Niệm nói lên sự quan tâm của bà là làm sao để nhà nước Việt Nam biết được kết quả cuộc nghiên cứu này để họ có những hành động thích ứng:
SB

Buổi hội luận có lúc sôi nổi và có nhiều ý kiến khác nhau về hậu quả của những dàn xếp chính trị nhằm vào các tài nguyên của Việt Nam, nhất là các mỏ Uranium cũng như những mối e ngại của mọi người trước viễn ảnh Việt Nam đang trở thành một Tây Tạng thứ hai và những phương thức bảo vệ đất nước trước những âm mưu chính trị đó.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Nguyễn Thị Vinh - 60 Năm Văn Học

Nguyễn Thị Vinh: 60 Năm Văn Học


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, Apri 14 - 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Một buổi họp mặt văn nghệ để vinh danh 60 Năm Văn Học của Nhà văn Nguyễn Thị Vinh và ra mắt tác phẩm Thương Yêu của bà đã được tổ chức vào chiều Chủ nhật ngày 28 tháng 3, năm 2010 tại Houston với sự tham dự của nhiều văn nghệ sĩ. Nguyễn Thị Vinh đang định cư tại thành phố Oslo, Vương Quốc Na Uy, và bà là một nhà văn kỳ cựu với rất nhiều tác phẩm giá trị đã được xuất bản tại Việt Nam, Na Uy và Hoa Kỳ và được nhiều người biết đến.

Trong phần giới thiệu tác giả, với tư cách là môt người thân của Nguyễn Thị Vinh, nhà văn Hồng Diệp chia sẻ là Tác giả Nguyễn Thị Vinh là một phụ nữ đẹp, hiền dịu nhưng lại có những tư tưởng cấp tiến về công bằng xã hội, về thân phận của đàn bà, những tư tưởng hiếm thấy ở một phụ nữ sinh ra trong thâp niên 1920. Vẫn theo diễn giả Hồng Diệp thì sau biến cố 1975, Nguyễn Thị Vinh phải gác bút, chật vật đi bán hàng rong để nuôi cháu, nuôi chồng đi “tù cải tạo” và mãi đến năm 1984 bà mới được qua Vương quốc Na Uy tị nạn. Sống ở Na Uy bà sáng tác trở lại và đến năm 1990 cho xuất bản cuốn “ Na-Uy và Tôi”.

“Sau năm 75 Bà Vinh đã làm đủ mọi nghề để sinh sống, bà Vinh đã từng đi bán hàng rong. Ban đêm bà đi bán bánh, bà ấy rao hàng nữa … Đến cuối năm 1990, mẹ tôi báo tin cho tôi biết là bác Vinh ở Na Uy và mẹ tôi đưa cho tôi cuốn sách “NaUy và Tôi”là tác phẩm đầu tiên của bác Vinh in ở Hải Ngoại…”

Tác giả Nguyễn Thị Vinh cũng cho biết tác phẩm Thương Yêu đã được sơ thảo trong thời gian tác giả sống lưu vong tại HongKong cùng nhóm Tự Lực Văn Đoàn và sau này được nhà xuất bản Phượng Giang của Nhất Linh xuất bản lần thứ nhất năm 1955 tại Sai Gòn. Nguyễn Thị Vinh cũng cho biết Thương Yêu đã được dịch ra tiếng Na-Uy và được bộ giáo dục Na-Uy chọn vào làm tài liệu giáo khoa cho học sinh bản xứ.

“Ở bên Hồng Kông, tôi có đưa sách cho nhà văn Nhất Linh đọc. Khi về Sàigon, ông Nhất Linh về Sàigon trước tôi, thì ông Nhất Linh đề nghị tôi đưa tập ấy để in …”

Trong phần giới thiệu tác phẩm , Nhà văn Quý Linh, nói là Thương Yêu là câu chuyện gia đình của 4 anh chị em thương yêu đùm bọc nhau để vươn lên trong một xã hội Việt Nam đầy những bất công, nhất là đối với các phụ nữ. Bà Quý Linh, cũng thêm rằng hoàn cảnh xã hội Việt Nam ngày nay tuy có khác nhưng những bất công vẫn tồn tại và tác phẩm Thương Yêu vẫn là tiếng gọi cần thiết cho tình người.

“Trong tác phẩm Thương Yêu, mỗi chương đều chan hòa ngọn lửa ấm tình thương nhân hậu, giữa người với người. Sự thể hiện của tình thương yêu giữa những người cùng gia đình, giữa những người bạn với nhau và giữa những người sống gần với nhau. Truyện Thương Yêu và cuộc đời của người Việt chỉ khác nhau ở hoàn cảnh và thời đại mà thôi”

Trong phần phát biểu cảm tưởng, bà Phương Hoa, một nhà truyền thông tại Houston, vinh danh tác giả Nguyễn Thị Vinh như một nhà tranh đấu cho nhân quyền, nhất là giới phụ nữ:

“Qua tác phẩm Thương Yêu cũng như các tác phẩm khác của bà, tác giả đã cho phụ nữ một sự tự tin, một sự lạc quan trong cuộc sống. Qua ngòi bút, tác giả Nguyễn thị Vinh đã đấu tranh rất nhiều cho người nghèo, chống độc tài và nhất là nâng cao đời sống của người phụ nữ”

Tác giả Nguyễn Thị Vinh cho biết Bà không phải là một thành viên của Tự Lực Văn Đoàn dù bà có rất nhiều sinh hoạt với nhóm này và nhà Xuất Bản Phượng Giang của Nhất Linh đã xuất bản sách của bà. Bà cũng chia sẻ là nhà văn Nhất Linh lúc ở Sai Gòn đã có ý muốn nhận bà gia nhập Tự Lực Văn Đoàn nhưng lúc đó các thành viên văn đoàn này đã tản mác khắp nơi.

“Thời tôi gặp ông Nhất Linh thì trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn thời trước chỉ còn có một mình ông Nhất Linh. Ông Nhất Linh có nói một câu là ‘giá như còn đủ anh em thì sẽ đề nghị cho tôi vào Tự Lực Văn Đoàn’. Chỉ có thế, chứ tôi không phải trong Tự Lực Văn Đoàn”

Dù đang ở tuổi 84, Nguyễn Thị Vinh vẫn sinh hoạt văn học rất hăng say như một người trẻ tuổi. Nguyễn Thị Vinh đã không dấu được sự xúc động khi đề cập đến sự việc phụ nữ Việt Nam ngày nay phải lấy chồng ngoại quốc để kiếm sống:

Chưa bao giờ tôi thấy có vấn đề nào mà làm cho tôi quá buồn hay quá đau đớn về vấn đề phụ nữ ngày nay là bởi vì gần như là công khai đứng sắp hàng cho người ngoại quốc người ta lựa chọn…”

Trước hàng trăm cử tọa, Nguyễn Thị Vinh nói là tuổi bà đã lớn, bà khẩn thiết kêu gọi giới trẻ hãy tiếp tay với bà, trả lời giùm cho bà tại sao qua bao nhiêu năm dân ta vẫn đói khổ, một câu hỏi bà đã trăn trở suốt 60 năm qua nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

“… nhưng mà do đâu? Vì đâu? Đất nước mình đất đai không thiếu. Người dân thì rất chịu khó, cần cù… dù làm ruộng, dù đi buôn thúng bán bưng nhưng mà tại sao vẫn không đủ ăn ? Do đâu? Do đâu mà chỉ trong cái thời cộng sản vào mà phải chịu những điều như vậy ? Cái điều đó, tôi xin quí vị hãy cùng tôi trả lời giùm tôi …”

Những lời tâm huyết của một nhà văn nữ 84 tuổi với 60 năm văn nghiệp luôn ca tụng tình người và tranh đấu cho công bằng xã hội làm cử tọa đủ mọi lứa tuổi ngậm ngùi thương cảm và thán phục tinh thần dấn thân của tác giả Thương Yêu.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Lễ Chiêm Bái Tượng Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới tại Houston

Lễ Chiêm Bái Tượng Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới tại Houston


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, April 7th - 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Vào tối thứ sáu, ngày 26 tháng 3, năm 2010 Lễ Chiêm Bái Tượng Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới đã được khai mạc long trọng tai Trung Tâm Phật Giáo – Chùa Việt Nam tại vùng Tây Nam Thành phố Houston, tiểu bang Texas với trên dưới 5 ngàn người tham dự, trong số đó có khoảng 300 tăng ni đến từ nhiều nơi trên thế giới, phái đoàn Phật tử từ các tiểu bang của Hoa Kỳ, và nhiều cư dân Houston không phân biệt tôn giáo.

Theo Ban Tổ chức, Phật Ngọc do ông bà Ian và Judy Green ở Úc Châu phát tâm cúng dường và được kiến tạo từ một khối ngọc thạch nặng khoảng 18 tấn, được khai quật tại một mỏ ngọc ở miền Bắc Canada. Khối ngọc này đã được đưa về Thái Lan để điêu khắc trong thời gian 5 năm; đến đầu năm 2009, pho tượng đã hoàn thành. Tượng Phật, kể cả pháp tòa và đài sen, cao 4m85, nặng 5 tấn.

Pho tượng hiếm quý này sau khi hoàn tất đã được trưng bày tại nhiều nơi ở Việt Nam và nước Úc trước khi qua Hoa Kỳ và đã thu hút khoảng 4 triệu người đến chiêm bái. Tại Hoa Kỳ pho bảo tượng này cũng đã được luân lưu nhiều nơi trên các tiểu bang California và Florida trước khi đến Houston nhân dịp Trung Tâm Phật Giáo – Chùa Việt Nam tổ chức Lễ Hội Quan Âm lần thứ 10.

Ông Ian Green đã nói bảo tượng này được Latma Zopa Rinpoche đích thân chuẩn định mô hình và đặt tên là Phật Ngọc cho Hòa Bình Thế Giới và chủ đích của việc triểm lãm Phật Ngọc khắp nơi trên thế giới là để mọi người có cơ hội chiêm ngưỡng pho bảo tượng và phát sinh lòng từ bi và sự an lạc, cùng cầu nguyện cho hòa bình vì thế giới đang có quá nhiều chiến tranh, thiên tai và đau khổ.
SB Ian Green


Ngay sau khi cắt băng khánh thành, nghi lễ Nhất Niệm Nhất Bái trước pho bảo tượng của chư tăng ni và phật tử đã được cử hành rất trang nghiêm và cảm động. Qua lời tụng niệm, cuộc đời của Đức Phật Thích Ca đã được kể lại bằng Anh ngữ và Việt ngữ.
SB: Lể Nhất Niệm Nhất Bái


Buổi lễ đã có sự hiện hiện của nhiều vị cao tăng trong hàng Giáo Phẩm Việt Nam hải ngoại. Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Thượng thủ giáo hội tăng già thế giới đã tán dương công đức của ông bà Green cũng như của các vị tăng ni và đại chúng đang góp phần cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới và quê hương Việt Nam.

“Chúng ta có duyên lành là nhờ hồng ân của tam bảo. Tán dương công đức của HT viện chủ đã góp tâm cung nghinh Phật Ngọc để toàn thể chúng ta được chiêm ngưỡng”


Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh,Viện Chủ Trung Tâm Phật Giáo - Chùa Việt Nam đã chia sẻ ước vọng tha thiết của ông trong nỗ lực cung thỉnh pho bảo tượng về Houston trong dịp Lễ Hội Quan Âm hàng năm của Chùa Việt Nam để mọi người có cơ hội chiêm bái, góp phần cầu nguyện cho một thế giới hòa bình:

"Trước thiên tai, trước chiến tranh, trước khủng bố, trước bao nhiêu sức mạnh hũy hoại thì hình ảnh Phật Ngọc cho Hòa Bình là một đáp ứng cho niềm "khát vọng sâu xa của chính mình đối với cái ước mơ cho một đời sống an lạc hòa bình cho mỗi và mọi người ở trên mặt đất này, mà đó cũng là tâm nguyện của chúng tôi khi cung nghinh Phật Ngọc cho Hòa Bình về đây…”


Hướng dẫn môt phái đoàn đại diện hội đồng thành phố Houston đến tham dư, Nghị viên Hoàng Duy Hùng nói là ông đã từng dự nhiều buổi lễ tôn giáo nhưng chưa bao giờ ông thấy xúc động như lần này:

“… và cũng là để cho các nghị viên cũng như hội đồng thành phố được thực nghiệm một văn hóa, một tín ngưỡng khá là đặc sắc…”


Trong khi đó, Sư Cô Thanh Lương thuộc chùa Viên Thông tại Houston chia sẻ sự vui mừng được đảnh lễ Phật Ngọc và Sư Cô tin rằng nơi nào có sự hiện diện của Phật Ngọc nơi đó có bình an:

“Sự xuất hiện của Ngọc Phật ở nơi nào thì nơi đó được đem đến sự bình an …”

Bà Aline, một Phật tử Hoa Kỳ nói rằng buổi lễ đã mang mọi người trên thế giới gần lại nhau để cùng cầu nguyện cho Hòa Bình :
SB Bà Aline

Một phật tử kỳ cựu tại chùa Việt Nam là Bác Tâm Đạo đã xúc động trước quang cảnh trang nghiêm của buổi lễ:

“Chưa bao giờ tôi thấy được một buổi lễ như vậy. Hàng ngàn hàng ngàn người đều chấp tay tụng niệm một cách rất là trang nghiêm, kính cẩn…”

Phật Ngọc đã được trưng bày tại Chùa Việt Nam cho đến hết ngày 4 tháng 4 năm 2010 và đã thu hút rất nhiều Phật tử và cư dân Houston . Sự hiện diện của Phật Ngọc đã là một yếu tố tích cực mang lại sư an bình và hoan hỉ cho những người đến chiêm ngưỡng.

Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Ngày Khai Trương Tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Houston

Ngày Khai Trương Tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Houston.


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, March 31 - 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Trong năm 2009, Bộ ngoại giao Việt Nam đã loan báo là Việt Nam sẽ mở tòa Tổng Lãnh Sự tại thành phố Houston, thuộc bang Texas vào tháng 9 năm 2009. Tuy nhiên vì không có những thông báo chính thức thông thường khi hai quốc gia mở một cơ sở ngoại giao, người Việt Houston đã phải dò hỏi và biết tin là vào ngày 25 tháng 3, năm 2010, Tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Houston sẽ khánh thành để chính thức mở cửa và họ đã đến biểu tình tại trụ sở Tòa Tổng Lãnh Sự.

Các cơ quan truyền thông tiếng Việt đã loan tin Tòa Tổng Lãnh Sự tọa lạc trên lầu 11 của một cao ốc trong khu Galleria là một khu thương mại sang trọng tại Houston. Ngày khai trương của tòa Tổng Lãnh Sự đáng lẽ đã diễn ra âm thầm nếu không có sự biểu tình của khoảng một ngàn người Việt vào sáng ngày 25 tháng 3, năm 2010 với rất nhiều Cờ Vàng 3 Sọc Đỏ và biểu ngữ kêu gọi nhà nước Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền và các quyền tự do căn bản, nhất là tự do tôn giáo và ngôn luận cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam.
SB Đoàn Biểu Tình

Đa số những người biểu tình là cư dân Việt tại thành phố Houston và các phái đoàn người Việt từ các tỉnh lân cận như Austin, San Antonio và Dallas thuộc tiểu bang Texas. Một số người đến từ bang California. Trong khi đoàn biểu tình ca hát, hô hào những khẩu hiệu chống đối trước tòa Tổng Lãnh Sự thì trên lầu 11 của khu cao ốc vẫn im lìm. Cuộc biểu tình kéo dài từ 10 giờ sáng tới khoảng 1 giờ chiều và đã qui tụ rất đông đồng hương mọi lứa tuổi và một số cựu chiến binh Hoa Kỳ đã tham chiến tại Việt Nam trước năm 1975.

Ông Vũ Quý Hảo, một người trong đoàn biểu tình, đã chia sẻ rằng ông phải đến đây để kêu gọi nhà nước Việt Nam hãy tôn trọng nhân quyền tại quê nhà nhất là các quyền căn bản là Tự do Tín ngưỡng và Ngôn luận:

“Nhân quyền là gì ? Là Tự do Tôn giáo, là Tự do Ngôn luận…, không phải vì người ta có đạo này đạo kia mà bắt nhốt người ta, không phải vì người ta bất đồng ý kiến với chính quyền mà bắt nhốt người ta… cái đó là vi phạm Nhân Quyền. Hôm nay đến đây, tôi không dám nói đến chính trị, chỉ yêu cầu là có Nhân quyền cho Việt Nam”


Nhiều nhà kinh doanh Hoa kỳ thì đón mừng tin tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam khai trương và họ cho rằng tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Houston sẽ giúp phát triển kinh tế và mậu dịch cho Houston vì Houston có rất nhiều sản phẩm cho thị trường Việt Nam như kỹ nghệ năng lượng và kỹ nghệ không gian. Trong tháng 9 năm ngoái, ông Moseley, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Liên Doanh Phát Triển Houston (Chairman & CEO of Greater Houston Development Partnership) đã nói rằng ông vui mừng trước tin có tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam và ông cho rằng sự phát triển kinh tế sẽ giúp cải thiện tình trạng nhân quyền và tự do tại Việt Nam:
SB: Moseley

Ông Robinson, giám đốc một công ty nghiên cứu địa chất cho các hãng dầu, cho rằng vì Houston là thủ đô dầu hỏa trên thế giới mà kỹ nghệ lọc dầu ở Việt Nam còn yếu kém và do đó sự hiện diện của tòa Tổng Lãnh Sự sẽ giúp cho việc phát triển kỹ nghệ lọc dầu và khai thác dầu tại Việt Nam vì Houston có thể cung ứng các kỹ thuật đó.
SB Robinson

Những người biểu tình bác bỏ quan điểm cho là phát triển kinh tế sẽ sẽ giúp nhà nước Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền và tự do, và họ cho rằng Nhân Quyền và Tự Do phải có trước. Bà Lệ Thanh, một người trong đoàn biểu tình chia sẻ là bà đến để yêu cầu nhà nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền, nhất là Tự do tTn ngưỡng. Bà cũng nhấn mạnh là khi vấn đề tự do chưa sáng tỏ thì những dịch vụ visa, mậu dịch đều vô nghĩa:

“Nếu quyền Tự do Tôn giáo, Tự do Ngôn luận, Tự do của con người mà chưa được sáng tỏ thì họ có mở văn phòng ở đây cũng không có ý nghĩa gì hết cả …”


Một người khác trong đoàn biểu tình là ông Giang đã đồng ý với bà Lệ Thanh khi phát biểu là Việt Nam đang giao thương với nhiều nước trên thế giới nhưng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vẫn không thay đổi:

“Cái chuyện giao thương thì cả thế giới đã giao thương với họ rồi, thế nhưng Nhân quyền vẫn vậy, có thay đổi gì đâu…”


Đoàn biểu tình đã gây sự chú ý của rất đông người qua lại trên đường phố cũng như những người đi mua sắm. Ông Mario, một nhân viên khu thương mại đứng quan sát cuộc biểu tình, đã nhận xét là những người Việt đang tranh đấu cho tự do và đồng ý mọi người phải có tự do tôn giáo. Ông thêm rằng cuộc biểu tình này làm ông biết thêm về tình hình thế giới.
SB Mario


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas.

Người Việt Houston và cuộc Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ 2010

Người Việt Houston và cuộc Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ 2010


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, March 24 - 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn

Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, cứ mỗi 10 năm, chính phủ Hoa Kỳ có nhiệm vụ thực hiện một cuộc Thống Kê Dân Số để làm căn bản cho việc định số dân biểu tại Hạ Viện và điều hành ngân sách liên bang, đáp ứng đồng đều quyền lợi cư dân tại mỗi tiểu bang. Hơn một năm nay, chính phủ Hoa Kỳ đã nỗ lực quảng bá chương trình này trên toàn nước Mỹ và đặc biệt trong các sắc dân thiểu số. Riêng trong cộng đồng người Việt tại Houston cũng có rất nhiều các cuộc hội họp và thông báo trên các cơ quan truyền thông báo chí bằng tiếng Việt để giải thích về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mọi cư dân Hoa Kỳ trong chương trình quan trọng nàỵ. Luật sư Hoàng Duy Hùng, nghị viên thành phố Houston đã giải thích là mọi cư dân cần điền vào phiếu thống kê, nếu không mọi người sẽ thiệt thòi vì chính phủ liên bang sẽ căn cứ trên dữ kiện thống kê dân số để phân phối khoảng 400 tỷ Mỹ Kim mỗi năm, tức là khoảng gần 2000 Mỹ Kim cho mỗi đầu người, trong ngân sách liên bang, nhằm phục vụ dân chúng trong các lãnh vực y tế, giáo dục, xây cất đường xá, vân vân.

“Các ngân sách để kiến thiết về khu vực địa phương đó, tùy theo đầu người. Mỗi đầu người, hàng năm là khoảng 1700 đến 2000 dollars để tân trang đường xá, xây dựng khu housing hoặc là công viên cho người dân ở khu vực đó”



Một số người có lẽ vì còn bị ám ảnh bởi sự theo dõi của công an Viêt Nam khi còn sống tại quê nhà nên ngần ngại trước việc kê khai chi tiết về cá nhân. Tuy nhiên, ông Linh Trần, một chuyên viên điện toán cho rằng vấn đề bảo mật cho mọi cư dân đã được chính phủ rất quan tâm và trong xã hội tự do dân chủ tại Hoa Kỳ mọi người có thể an tâm điền phiếu thống kê mà không sợ bị hậu quả phiền nhiễu như tại Việt Nam

“Hoa Kỳ là một quốc gia tự do và dân chủ thành ra tất cả tin tức về tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, giới tính của mình sẽ được bảo mật một cách tuyệt đối chứ không phải như bên Việt Nam, rồi công an theo dõi … Ở xứ Mỹ này hoàn toàn không có chuyện như thế”



Ông Nguyễn văn Minh cũng đồng quan điểm với ông Linh, rằng pháp luật tại Hoa Kỳ rất rõ ràng, nhân đạo không giống như Việt Nam, ông đã điền phiếu thống kê chẳng có gì phải e ngại cả:

“Đối với đồng hương chúng ta, những người còn đang e ngại, chưa có muốn ghi danh thì không có gì phải sợ. Tôi đã ghi danh và kê khai tất cả người trong gia đình tôi. Ở đây không có giống như bên Việt Nam”



LS Hòang Duy Hùng cũng đồng ý và đã khẳng định vấn đề bảo mật cũng được lưu ý tối đa vì ngay trong chính phủ, chỉ có cơ quan làm thống kê được sử dụng tài liệu này mà thôi và luật pháp cũng có những hình phạt tù giam cho những nhân viên tiết lộ các dữ kiện thống kê dân số ra ngòai và do đó mọi người có thể an tâm.

“Bảo đảm 100% là cơ quan kiểm tra dân số sẽ không tiết lộ bất cứ một điều gì cho bất kỳ một cơ quan nào trong chính phủ luôn”



Đa số cư dân Việt Nam tại Houston đang hưởng ứng cuộc thống kê dân số một cách tích cực. Quản lý một nhà hàng tại Houston là Ông Duyên nói là mới nhận phiếu thống kê , đã điền và gửi đi vì đây là việc cần làm ngay vì quyền lợi thiết thực của mọi cư dân và ông đang cổ động đồng hương cùng tham dự tích cực :

“Chương trình kiểm kê dân số này tôi đã biết cách đây 2 hay 3 tháng trước rồi và tôi đã vận động cho an hem bạn bè là cái chương trình này là phải làm. Đó là quyền lợi thiết thực của mình. Sống ở Hoa Kỳ là phải làm …”



Bà Kim Thanh thuộc hội phụ nữ Houston thì nói là tất cả mọi cư dân cần sốt sắng điền phiếu thống kê để giúp chính phủ Hoa Kỳ kiểm kê dân số dù có quốc tịch hay chưa, vì đó là quyền lợi của mỗi cư dân:

“Tất cả những người Việt Nam mang quốc tịch Mỹ, và tất cả những người chưa có quốc tịch thì đều cần phải làm để đáp ứng cho chính phủ Hoa Kỳ họ biết dân số là bao nhiêu”



LS Hòang Duy Hùng cũng nhắc là măc dù trên nguyên tắc, người dân có thể từ chối không tham dự cuộc thống kê nhưng chính phủ cũng có trách nhiệm gửi người đến từng nhà để giúp đỡ và hỏi cho ra số người cư ngụ tại từng nhà và như thế sẽ tốn kém hơn, và LS Hùng khuyến khích mọi người nên tích cực tham gia để bảo vệ quyền lợi của chính họ:

“Người dân có quyền từ chối không kiểm tra dân số nhưng mà nếu sau 2 tuần khôngnhận thấy sự trả lời từ quí vị, họ sẽ cử người đến gõ cửa hàng ngày. Như vậy là không có sự bắt buộc nhưng nếu quí vị không làm thì chính quyền vẫn có cách để kiểm tra”



Trong tuần này, các mẫu thống kê dân số đã được gửi đến từng nhà và chính phủ đang chờ phúc đáp của dân chúng. Ngày 1 tháng Tư , 2010 là hạn chót để gửi lại phiếu thông kê dân số cho chính phủ. Trong xã hội tự do dân chủ Hoa kỳ, việc thống kê dân số được tổ chức kỹ càng và có các biện pháp bảo vệ tối đa đời tư và quyền tự do của mọi cư dân. Hiểu được giá trị của cuộc thống kê dân số năm 2010 rất quan hệ đến phúc lợi của chính họ, cộng đồng Việt Nam tại Houston cũng đang sốt sắng tham dự cuộc thống kê này.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Thursday, March 18, 2010

Ra mắt Tác phẩm Hoa Đào Năm Ngoái - Nguyễn Hữu Nhật

Get this widget | Track details | eSnips Social DNA


Ra mắt Tác phẩm Hoa Đào Năm Ngoái - Nguyễn Hữu Nhật



Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện

Phát thanh Thứ Tư, March 17 - 2010

Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)




Chiều Chủ nhật ngày 7 tháng 3, năm 2010, tại hội quán Little Saigon Radio Houston, đã có một buổi họp mặt văn nghệ để ra mắt tác phẩm Hoa Đào Năm Ngoái của Tác giả Nguyễn Hữu Nhật với sự tham dự của rất nhiều văn nghệ sĩ tại Houston. Nguyễn Hữu Nhật đang định cư tại thành phố Oslo, Vương Quốc Na Uy, ông là một nhà văn, một nhà thơ và cũng là một họa sĩ có nhiều tác phẩm giá trị đã xuất bản tại Na Uy, và được nhiều người biết đến.

Trong phần giới thiệu tác giả, Nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân, với tư cách là bạn tù của tác giả, đã nhắc lại rằng Nguyễn Hữu Nhật đã trải qua 12 năm tù trong trại cải tạo sau biến cố 1975 và mãi tới năm 1989 mới được tỵ nạn tại Vương Quốc Na Uy.

“Nguyễn hữu Nhật là một người lính, người tù, đã thăng trầm theo vận nước. Anh đã chịu biết bao đọa đày, từ Nam chí Bắc suốt 9 năm trường và hai năm sau anh lại bị bắt lần thứ hai trong vụ án những người tổ chức cầm bút... như vậy là tổng cộng 12 năm”


Nhà thơ Lan Cao, trong phần giới thiệu tác phẩm, đã đặc biệt nhắc tới những điểm diễm tình của tác phẩm là mối tình lãng mạn của Quang Trung với Ngọc Hân công chúa khi vị Hoàng Đế vừa dẹp xong quân Thanh đã đích thân mang một cành đào từ Thăng Long về Phú Xuân tặng người yêu.

“Trên đường từ Bắc Hà, sau khi đánh quân Thanh trở về, Quang Trung đã chặt một cành đào. Trên lưng ngựa, ông vội vàng ôm cành đào, vội vàng chạy về để tặng Ngọc Hân”


Tác phẩm Hoa Đào Năm Ngoái /( hay là Ngọc Hân Công Chúa) vừa được Saigon Nghĩa Thư xuất bản tại Oslo, Na Uỵ. Theo tác giả thì Hoa Đào Năm Ngoái là một Tiểu Thuyết hư cấu, viết về cuộc đời thăng trầm của Công chúa, Hoàng hậu, Thái Hậu Lê Ngọc Hân, trong bối cảnh lịch sử của Việt Nam vào thế kỷ thứ 18 khi nhà Tây Sơn vươn lên, nhà Lê suy tàn, Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi nhà Tây sơn suy tàn và Chúa Nguyễn thống nhất đất nước. Vẫn theo tác giả, cuộc đời của Công Chúa Ngọc Hân chỉ là cái cớ để tác giả đưa ra một cách nhìn riêng tư về lịch sử Việt Nam trong bối cảnh đó, một bối cảnh mà mọi người dân tha thiết được sống trong yên bình nhưng các vua chúa đã không ngừng những tranh chấp chính trị không trong sáng, kể cả những việc cõng rắn cắn gà nhà để củng cố uy quyền, làm cho muôn dân cơ cực.

Trong phần thảo luận, tác giả đã nhắc lại những ước vọng của ông khi viết Hoa Đào Năm Ngoái là nói lên tinh thần và tư tưởng Quang Trung, đó là ngoài việc xây dựng sức mạnh quân sự còn phải bảo tồn văn hóa đặc thù của dân tộc và vận động sự tham gia của toàn dân trong cuộc chiến chống bắc xâm và ông đề nghị thành lập một thư viện Văn Hóa Quang Trung tại Houston là nơi thường được coi là một thủ phủ văn hóa Việt Nam hải ngoại:

"Mình nên tìm hiểu lịch sử để nhấn mạnh 3 điều: Thứ nhất là tinh thần và tư tưởng của vua Quang Trung là ngọn đuốc và thanh gươm. Thứ hai là giữ nước bằng chữ Nôm và tiếng mẹ đẻ. Thứ ba tinh thần Toàn Dân Chiến Đấu. Tôi ao ước rằng quí vị ở đây, thành phố này là thủ phủ của Văn Hóa Miền Nam Hoa Kỳ, quí vị sớm hình thành một cái thư viện Văn Hóa Việt Nam, tức là Thư Viện Văn Hóa Quang Trung”


Lời đề nghị lập thư viện Quang Trung của tác giả Nguyễn Hữu Nhật đã được nhiều cử tọa hưởng ứng.Tiến sĩ Michael Hòa đã lên tiếng ủng hộ:

“Chúng tôi thật sự vui mừng nếu có một Thư viện Văn Hóa Quang Trung ở tại đây, như một thí điểm để gìn vàng giữ ngọc mà trong tương lai là Thư Viện Văn Hóa Việt Nam”


Một trong hai người điều hợp chương trình buổi ra mắt sách, Cô Quỳnh Lan đã nêu lên thắc mắc về bài thơ Tự Do! Ôi Tự Do của tác giả Nguyễn Hữu Nhật ghi ngay trên bìa tác phẩm Hoa Đào Năm Ngoái :

“Cái câu thắc mắc đó là nằm trong bốn câu thơ của nhà thơ Nguyễn hữu Nhật:

Nếu thật chờ nhau mà hóa đá,

Thì xin thử đợi một lần xem

Chỉ ngại khi tôi thành núi biếc

Ngàn năm không thấy dấu chân em

Không biết qua 4 câu thơ này, nhà thơ Nguyễn hữu Nhật đã nói lên cái tâm trạng gì?”




Tác giả Nguyễn Hữu Nhật cũng chia sẻ rằng đây chính là tâm tư khao khát tự do mà ông muốn gửi gấm.

“Về vấn đề cái bài thơ đó thì không phải là anh anh em em đâu, mà là tôi muốn nói với Tự Do. Tại sao dân tộc chúng ta mãi cho đến ngày nay đã là thế kỷ thứ 21 mà vẫn chưa có Tự Do. Tại sao ? Chúng ta khao khát Tự Do ghê lắm ...”



Nguyễn Hữu Nhật đã nêu lên một câu hỏi và có lẽ cũng là niềm khắc khoải chung của mọi người Việt Nam.



Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Năm Mới, Cuộc Sống Mới trên Quê Hương Mới

Năm Mới, Cuộc Sống Mới trên Quê Hương Mới

Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, March 03 - 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguon


Tại Sàigòn vào những năm đầu của thập niên 1970 đã xuất hiện những tuần báo viết riêng cho tuổi mới lớn, mà thời đó còn gọi là tuổi Ô Mai. Trong số những nhà văn viết cho lứa tuổi này có Duyên Anh, Đinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường, vân vân. Đinh Tiến Luyện còn được biết nhiều hơn qua những bức tranh vẽ thiếu nữ với cặp mắt tròn xoe đăng trong Tuổi Ngọc, là một tờ tuần báo được nhiều học sinh, sinh viên thời đó ưa thích. Văn của Đinh Tiến Luyện cũng nhẹ nhàng, dễ thuơng và trong sáng như nét vẽ của ông thời đó.


Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, văn họa sĩ Đinh Tiến Luyện bị đi tù "cải tạo" 6 năm tại trại giam "Suối Máu". Ra khỏi trại giam "Suối Máu" ông đã nhiều lần tìm đường vượt biên để tìm tự do nhưng không thành công. Rồi vì trở ngại giấy tờ ông đã gặp nhiều khó khăn trong việc xin đi Mỹ qua dạng HO nên ông đã cùng gia đình quyết định ở lại Việt Nam. Nhưng đến cuối tháng Giêng năm 2010 ông cùng vợ và 4 con, đã đến định cư tại thành phố Houston, tiểu bang Texas theo sự bảo lãnh của gia đình. Ông cho biết lý do như sau:

“Ông bà ngoại các cháu ở bên Mỹ hết nên chúng tôi rất muốn cho các cháu được đoàn tụ với ông bà bên này. Tôi nghĩ rằng cơ hội bên Mỹ thì dành cho tất cả mọi người nhất là các cháu có khả năng đi học nên chúng tôi quyết định chọn nước Mỹ làm quê hương mới của chúng tôi”


Mặc dù đã đuọc thông tin vế đời sống tại Mỹ của anh chị em đang ở Houston, gia đình ông Luyện cũng không khỏi ngạc nhiên khi đến thành phố này. Theo ông Luyện thì Houston thật là yên tịnh chứ không ồn ào như ông tưởng :

“Đây là một nơi rất là yên tĩnh và không khí vô cùng trong lành, khác hẳn với những gì chúng tôi tưởng tượng khi còn ở Việt Nam”


Còn Bà Hoàng Oanh, vợ ông Luyện thì rất khâm phục tinh thần tôn trọng luật pháp của dân Houston :

‘Tất cả mọi giao thông rất là tốt, mọi người đều tuân thủ luật lệ, dù cho không có cảnh sát đứng ở những bảng Stop all way hay những đèn xanh đèn đỏ”


Trong khi đó, con gái út của ông Luyện, là em Quỳnh Thy, mới 15 tuổi, đã bắt đầu đi học tại trường Mỹ và em nhanh chóng hòa hợp cùng thầy cô và bạn học mới. Em cho biết là em rất cảm động trước sự giúp đỡ tận tình của các Thầy Cô và bạn học Mỹ:

"Trường Mỹ rộng hơn, sạch hơn, bạn bè thầy cô thân thiện hơn..."


Với cái lạnh khác thường tại tiểu bang Texas vào mùa đông năm nay gia đình nhà văn Đinh Tiến Luyện đã đươc thấy tuyết rơi khi đi thăm bà con ở Dallas.

“Thấy một đêm tuyết rất là đẹp. Sáng ra chúng tôi thấy ngập tuyết ở chung quanh nhà và nó đẹp hơn tất cả những gì chúng tôi tưởng tượng. Đẹp như những bức hình của Noel vậy. Chúng tôi rất là thú vị thấy cảnh tuyết ở Dallas”


Tết Canh Dần là Tết tha hương đầu tiên của gia đình nhà văn Đinh Tiến Luyện. Tuy nhiên, đối với bà Oanh đây là Tết hạnh phúc nhất vì bà được đoàn tụ với cha mẹ và anh chị em trong nhà , được đi lễ và còn được hái lộc tại nhà thờ Viêt Nam ngay tại Houston:

"Riêng với tôi thì năm nay là một cái Tết rất đặc biệt, được đoàn tụ với Bố Mẹ, với các anh các chị và với mọi người thân thiết bạn bè. Thật là một cái Tết đầy ấn tượng và ấm áp.
Trong dịp Tết, tôi đã được tham dự hội chợ Xuân, rồi coi múa lân, rồi cũng đốt pháo rồi cũng hái lộc đầu năm ở nhà thờ"



Nói chuyện về sinh hoạt nghệ thuật, nhà văn họa sĩ Đinh Tiến Luyện cho biết gần đây ông đã cho tái bản tác phẩm “ Anh Chi Yếu Dấu“ trong số trên dưới 20 tác phẩm đã xuất bản từ thập niên 1970 cho đến nay. Ông còn cho biết là ông mang theo khoảng 50 họa phẩm và hy vọng sẽ có cơ hội giới thiệu cùng bạn bè và độc giả.



"Ở Sàigòn, tôi có viết, vẽ và làm báo. Thỉnh thoảng độc giả còn nhắc đến tôi với cuốn truyện Anh Chi Yêu Dấu. Trong lần tái bản thứ 5 thì tôi có viết thêm phần Anh Chi Ngoại Truyện như một chút hồi ức kỷ niệm về những năm đầu viết văn làm báo của mình.

Tôi có đem theo khoảng 50 bức tranh sơn dầu, tôi sẽ tìm dịp để giới thiệu đến bạn đọc và đến những người quí mến mình từ xưa tới nay"



Mặc dù đang có một cuộc sống kinh tế ổn định tại Việt Nam, nhà văn Đinh Tiến Luyện vẫn quyết định ra đi để hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái, trong bầu không khí tự do dân chủ. Ông Luyện tâm sự là quyết định qua định cư tại Mỹ khi tuổi đã 60 giống như một cơn bão nhưng ông tin rằng cơn bão này sẽ là một cơ hội làm thăng hoa đời sống cùa gia đình ông:

“Thay đổi cũng giống như một cơn bão trong cuộc đời vậy nhưng mà chúng tôi vẫn chọn cơn bão này bởi trong cơn bão này có các cháu và được có gia đình và nó lại không phải là cơn bão vùi dập mình mà có thể là một cơn bão làm thăng hoa đời sống của mình cho nên chúng tôi thấy sự chọn lựa của chúng tôi là rất đúng”





Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Dòng Nữ Tu Bác Ái và Văn Hóa Việt

Dòng Nữ Tu Bác Ái và Văn Hóa Việt



Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện

Phát thanh Thứ Tư Feb 24 - 2010

Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguon

Chủ nhật ngày 14 tháng 2, 2010, nhằm mùng một Tết Nguyên Đán Canh Dần, tại thánh đường Dòng Nữ Tu Bác Ái Truyền Giáo Ngôi Lời Nhập Thể (Sisters of Charity of the Incarnate Word), thường gọi tắt là dòng Nữ Tu Bác Ái, tại thành phố Houston đã có một thánh lễ mừng năm mới và tiếp theo bằng một buổi tiệc trọng thể. Có trên 100 khách mời là người Việt cùng tham dự Thánh lễ và tiệc mừng năm mới của dòng tu, cùng với giáo dân Hoa Kỳ . Đặc biệt trong tiệc mừng năm mới có sự trình diễn của đoàn Lân Chùa Linh Sơn thành phố Houston và rất nhiều món ăn Tết Việt Nam như bánh chưng, thịt quay, chả giò, xôi chè, vân vân.
Sb: Múa Lân

Thánh Lễ do Đức Tổng Giám Mục hồi hưu Joseph Firoenza chủ tọa, Ngài nguyên là Tổng Giám Mục tổng giáo phận Galveston và Houston. Đức Tổng Giám Mục đã ca ngợi Tết Vietnam là một dịp rất tốt để tiếp nhận ơn sủng Thiên Chúa và cho biết Ngài rất vui khi có mặt để cùng chia sẻ ơn Chúa với các anh chị em giáo dân gốc Việt.
SB Archbishop

Nói chuyện về năm mới Việt Nam, Sơ Pauline, nói là đây là năm thứ hai bà được ăn Tết Viêt Nam và bà rất thích tham dự để chung vui với mọi người:
SB Sister Pauline


Đề cập đến cộng đồng Việt Nam, nữ tu Mary Frances đặc biệt ca ngợi văn hóa Việt Nam và khả năng của người Việt đã vượt thắng những trở ngại ban đầu và đóng góp rất nhiều cho cộng đồng Houston và Hoa Kỳ:
SB: Sister Maty Frances


Trong các khách Việt tham dự buổi lễ, Cô Ánh Tuyết lại để ý đến tâm hồn cởi mở của người Hoa Kỳ khi họ đón nhận văn hóa Việt một cách nhiệt thành:
SB: Ánh Tuyết



Trong khi đó, Sơ Katherine Thúy, đến từ Chicago để phụ giúp giới thiệu văn hóa Việt với cộng đồng Mỹ tại Houston, đã chia sẻ là những buổi tiệc Tết như thế này làm Sơ nhớ nhà, nhớ gia đình tại Việt Nam nhưng nhờ gặp được nhiều đồng hương nên cũng thấy rất ấm cúng:


“Tôi muốn đem Văn Hóa Việt Nam đến với các Sơ để các sơ thấy rằng Việt Nam có một nền văn hóa rất tốt đẹp mà chúng ta muốn truyền bá cho người Mỹ để họ có cơ hội biết đến Văn hóa Việtnam

Khi hiện diện trong buổi họp mặt hôm nay làm tôi nhớ đến Việt Nam, bởi vì nơi quê huơng Việt Nam bao nhiêu người thân của tôi đang được sum vầy bên nhau mà tôi thì đang cách xa gia đình, nhưng gặp những người Việt nơi đây làm tôi ấm lòng lại”.




Được biết dòng Nữ Tu Bác Ái là một dòng tu Công Giáo rất nổi tiếng về các chương trình văn hóa, giáo dục và y tế với chi nhánh ở nhiều nơi trên thế giới. Ngay tại Texas, dòng Nữ Tu Bác Ái quản trị một số nhà thương và trường đại học. Trong nhà dòng này hiện có một nữ tu gốc Việt là Sơ Trần Kim Phượng. Sơ Kim Phượng đã chia sẻ niềm vui trong đời sống một nữ tu :


“Món quà mà Thiên Chúa cho tôi trong đời sống tu là cái ơn gọi về tự do tinh thần và cảm thấy lòng yêu mến của mình khi nào cũng dồi dào, khi nào cũng muốn cho đi và rất hạnh phúc với cuộc đời của mình”




Đề cập đến những sinh hoạt của dòng Nữ Tu Bác Ái và cộng đồng người Việt, Sơ Kim Phượng có nhận xét là nhà dòng đã nhận thấy văn hóa Việt có nhiều điếu đáng quí do đó Dòng Nữ Tu Bác Ái đang muốn mở rộng vòng tay đón nhận các nữ tu gốc Việt để phục vụ tại Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới.

“Văn hóa và tập quán của người Việt Nam là một tặng phẩm rất lớn mà Thiên Chúa dành cho mình…”


Nhắc đến những giới hạn trong sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam, Sơ Kim Phượng nói rằng dù tại Việt Nam hiện đang có những căng thẳng về chính trị giữa Giáo hội và nhà nước nhưng hy vọng một ngày nào đó Việt Nam sẽ thực sự có tự do tôn giáo:

“Tôn giáo ở Việt nam có tình trạng căng thẳng về chính trị, nhưng chắc chắn sự căng thẳng đó chỉ có tình thuơng của con người và ân sủng của Chúa là sẽ đem lại tự do tôn giáo tại Việt Nam”


Trước thềm năm mới, Dòng Nữ Tu Bác Ái đang mở rộng vòng tay đón nhận Văn Hóa Việt Nam, như một dịp tốt hòa đồng cùng mọi người, để mang lại an vui hạnh phúc cho tha nhân.





Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Friday, February 19, 2010

Houston: Trung Tâm Việt Mỹ Làm Bánh Chưng Mừng Năm Mới Canh Dần

Trung Tam Việt Mỹ Làm Bánh Chưng Mừng Năm Mới Canh Dần

Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư Feb 17 - 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguon

Teaser: Để chuẩn bị đón mừng năm mới, Trung Tâm Việt Mỹ tại Houston đã tổ chức ngày hội làm bánh chưng rất qui mô, vào1 tuần trước Tết Canh Dần tại trụ sở trung tâm để hội viên cùng làm bánh và duy trì một truyền thống văn hóa Việt Nam.



Bánh chưng là một món ăn truyền thống, không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt. Trong cuộc sống luôn luôn bận rộn ở hải ngoại, ít ai gói bánh chưng cho gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán, nên nghệ thuật làm bánh chưng đã mai một rất nhiều. Để bù đắp những thiếu sót này, từ 5 năm nay, hội Cao Niên miền Tây Bắc, thuộc Trung Tâm Việt Mỹ Houston, (Vietnamese American Community Center), đã tổ chức những buổi làm bánh chưng chung hàng năm vào dịp Tết. Ông Đỗ Vạn Thúy, giám đốc Trung Tâm Việt Mỹ, đã giải thích lý do chính của buổi làm bánh chưng chung là để duy trì một truyền thống trong văn hóa Việt Nam.
SB Đỗ Vạn Thúy



Các vị cao niên cho biết vật liệu làm bánh chưng đã được nhập cảng từ nhiều nơi trên thế giới, chứ không khan hiếm như xưa. Gạo nếp thì nhập cảng từ Thái Lan, lá chuối thì từ Phi Luật Tân, Mễ Tây Cơ hay Thái Lan. Một số người còn dùng lá tre nhập cảng từ Trung quốc để gói cho bánh thêm cứng cáp. Các vật liệu khác thì có sẵn tại địa phương. Năm nay, ngày hội làm bánh chưng của Trung Tâm Việt Mỹ đã được tổ chức rất qui mô 1 tuần trước Tết tại trụ sở trung tâm. Nhiều bạn trẻ cũng tham dự vừa để giúp các vị lớn tuổi vừa học nghề tại chỗ. Ngày hội làm bánh chưng do đó đã có không khí rất vui nhộn và tạo thêm tình thân giữa hai thế hệ. Như trong một đại gia đình, người lo ngâm gạo, đãi đậu, cắt thịt, người lo rửa và luộc những lô lá chuối, lá tre cho sạch, người thì lo việc gói bánh. Gói bánh cũng có nhiều cách; người thì dùng khuôn, người thì thích gói tay, người thì chuyên gói bánh chưng, người khác thì gói bánh tét. Ai ít kinh nghiệm gói bánh thì lo việc cột dây. Thực ra, việc cột dây cũng cần nhiều kinh nghiệm vì hình dáng bánh đẹp hay xấu cũng tùy thuộc rất nhiều vào người cột dây. Bà Thu chỉ cách gói bách chưng:
SB: Bà Thu Trần



Trong khi đó, gói bánh tét không dùng khuôn được mà cần đến sự nhanh nhẹn và khéo tay như lời chỉ dẫn của Bà Lâm Lân:

“Lúc đầu phải để một sợi dây ngang rồi trải lá ra. Trải 2 miếng lá lớn ra ngoài, rồi kế đến 2 miếng vừa vừa, rồi để một lần dọc nữa, tức là 3 lần lá. Rồi múc một chén nếp, lấy tay khỏa cho nó đều ra, rồi múc nửa chén đậu xanh để vô. Rồi lấy một miếng thịt cắt dài bằng đòn bánh để lên trên. Rồi cầm 2 cái mép lá "ập" một cái thật mau thì nó mới tròn, nhưn nó mới nằm bên trong…”



Bánh gói xong phải nấu suốt đêm, trên 12 tiếng đồng hồ, và thức canh bánh chưng cũng có nhiều kinh nghiệm thú vị. Các vị cao niên vừa làm vừa kể lại những kỷ niệm ngày Tết năm xưa tại quê nhà.

Bà Bùi Phương Hương đã bùi ngùi nhắc lại kỷ niệm hiếm có là mẹ bà đã phải ném bánh xuống ao bùn để phi tang lúc chạy loạn khi Tây tấn công Hà Nội năm 1945 và vô tình các cụ đã khám phá ra một loại tủ lạnh thiên nhiên là bùn ao đã làm bánh không thiu lúc trở về sau cả tháng:

“Năm 1945 chiến tranh vào giữa ngày Tết, trong thời gian chạy loạn, mẹ tôi đã làm bánh chưng để làm lương thực. Khi luộc xong, mẹ tôi ném bánh chưng xuống ao, vừa để phi tang dấu lương thực, vừa nhờ vào cái lạnh của bùn làm bánh chưng không bị thiu”



Bà Thu kể lại chuyện ông Thu ham đánh bài bỏ cháy nồi bánh chưng năm Mậu Thân:
SB Bà Thu Trần



Bà Hương cũng tỏ lời cảm ơn Trung tâm Việt Mỹ đã có những sinh hoạt cho người Việt rất vui và có tình ngươi:
SB: Bà BP Hương


Kết quả của ngày hội làm bánh chưng chung là hơn 100 cặp bánh chưng thơm ngon và nhiều bánh tét đã hoàn tất để các hội viên mang về ăn Tết và dùng vào tiệc Tất Niên của Trung Tâm với hơn 300 thực khách Việt Mỹ tham dự. Nhưng thành quả quan trọng nhất có lẽ là sinh hoạt hy hữu này đã làm sống lại một truyền thống thân thương khi nhiều thế hệ quây quần bên nồi bánh chưng, nghe chuyện cổ tích hay chuyện cha ông phấn đấu qua những thăng trầm của đất nước.



Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Hội Luận: Việt Nam Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa - VOA

Hội Luận : Việt Nam Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện

Phát thanh Thứ Tư Feb 10 - 2010

Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)



Intro: Thứ bảy ngày 6 tháng 2 năm 2010 đã có một hội luận với đề tài Việt Nam Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa do đài truyền hình Việt Ngữ Tuổi Trẻ Hải Ngoại BYN tổ chức tại Houston với sự hiện diện của nhiều diễn giả Việt Nam nổi tiếng hải ngoại.

Nguon


Việt Nam sau khi gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO đã và đang gặp những trở ngại như thế nào hay thành công ra sao ? Đó là chủ đích của buổi hội luận về Việt Nam Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa do đài truyền hình Việt Ngữ Tuổi Trẻ Hải Ngoại BYN 57.3 tổ chức và trực tiếp phát hình vào thứ bảy ngày 6 tháng 2 năm 2010 tại Houston.



Buổi hội luận đã kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ và thu hút rất nhiều cử tọa đủ mọi lứa tuổi. Điều hợp viên của buổi hội luận là xướng ngôn viên Hưng Yên của đài TV Tuổi Trẻ Hải Ngoại, một người trẻ trong ngành truyền thông. Diễn giả của buổi hội luận gồm có Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đến từ Washington DC, Bình Luận Gia Ngô Nhân Dụng và nhà báo Phạm Phú Thiện Giao từ Nam California, và Nhà báo Lê Diễn Đức từ Ba Lan, Luật Sư Hoàng Duy Hùng và Thạc sĩ Nguyễn Quốc Bình từ Houston.



Đề cập về quan điểm cho rằng Toàn Cầu Hóa đã dẫn đến tình trạng bất đối xứng giữa các nước giàu và nước nghèo, và hủy hoại môi trường của các nước nghèo, Ông Ngô Nhân Dụng cho rằng sự bất đối xứng là do sư biến đổi trong xã hội, không phải là lỗi của Toàn Cầu Hóa và sự suy thoái của môi sinh là do sự ứng xử vụng về của các nước nghèo, không biết thương thảo để bảo vệ môi sinh hữu hiệu:
SB NND



Thảo luận về những cơ hội và thách thức cho VN khi gia nhập WTO mà vẫn chủ trương Kinh Tế Thị Trường theo Định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, nhà báo Thiện Giao phát biểu là nếu VN không sửa đổi những cơ cấu chính trị luật pháp thì không thể vượt qua những trở ngại để phát triển kinh tế vì nạn tham nhũng gia tăng và mặc dù lợi tức trung bình tăng lên nhưng đa số dân vẫn nghèo đói:
SB: Thiện Giao



Nhà báo Lê Diễn Đức đến từ Ba Lan thêm rằng chủ trương Kinh Tế Thị Trường theo Định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa đã nghịch lý từ trong căn bản và hệ lụy là chế độ này đã tạo ra một tập đoàn kinh tế gia tộc với nhiều đặc quyền, đặc lợi:
SB: LD Đức



Trong khi đó LS Hoàng Duy Hùng khẳng định đây chỉ là sự vá víu ý thức hệ nhằm duy trì chế độ độc tài vì xã hội chủ nghĩa đã quá lỗi thời:
SB HD Hùng


Đề cập đến những điều nhà cầm quyền Việt Nam nên làm để phát triển, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã cho rằng Việt Nam đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội khi gia nhập WTO vì nền giáo dục bất cập, do đó Việt Nam cần loại bỏ mặc cảm đỉnh cao trí tuệ và cần thành thực thu hút nhân tài hải ngoại:
SB GS Nguyễn Ngọc Bich



Một câu hỏi khác được đưa ra là có phải con đường Toàn Cầu Hóa đã gây ra những sự băng hoại về đạo đức tai Vietnam, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Bình, giám đốc đài Truyền hình SBTN Houston, đồng ý là đời sống đạo đức tại VN suy đồi quá độ nhưng ông khẳng định đây không phải là hậu quả của việc Toàn Cầu Hóa mà là lỗi của nhà cầm quyền Việt Nam đã làm đủ mọi cách hủy diệt những giá trị văn hóa đạo đức của dân ta trong hơn 50 năm qua :
SB Nguyễn Quốc Bình



Một người tham dự đã nói rằng nhiều người Việt có tâm lý bằng lòng về cuộc sống hiện tại và họ tin rằng sự mở cửa phải từ từ để giữ sự ổn định chính trị. Bình luận về quan điểm này , Ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng quan điểm đó là kết quả của chính sách tuyên truyền một chiều và do đó cần phải có môt chính sách truyền thông tự do.
SB NQ Bình



Cuộc hội luận đã đề cập đến nhiều vấn đề thực tế liên quan đến sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và nói lên những ưu tư của giới trẻ về hiện tình đất nước khi Việt Nam đã vào WTO mà vẫn ở trong chế độ độc đảng và không có một hệ thống truyền thông tự do và do đó Viêt Nam đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển.



Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Friday, February 5, 2010

Houston Sửa Soạn Đón Mừng Năm Mới Canh Dần

Houston Sửa Soạn Đón Mừng Năm Mới Canh Dần


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư Feb 3rd - 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)







Chỉ còn không đầy 2 tuần nữa là bước vào năm mới Canh Dần. Người Việt xa xứ, dù sống ở nơi nào trên thế giới cũng không khỏi chạnh lòng mỗi khi năm hết Tết đến. Họ muốn tìm lại không khí đầu Xuân của một thời đã xa và muốn con cháu không quên phong tục cổ truyền nên hầu như nơi nào có người Việt là đều có hội chợ Tết.

Tại Houston, mỗi dịp năm mới có rất nhiều nơi tổ chức Hội Chợ Tết, từ các Chùa đến các Nhà Thờ, rồi những Trung Tâm Văn Hóa. Năm nay, Hội chợ Xuân Yêu Thương của Giáo xứ Đức Mẹ La Vang được tổ chức vào 3 ngày 29, 30 và 31 tháng Giêng năm 2010 với hàng ngàn người tham dự.
SB: Múa Lân



Phó trưởng ban tổ chức năm nay là Ông Lư Tấn Phú, cho biết hội Tết có đại nhạc hội với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến từ California và các ca sĩ địa phương.
SB Ông Phú



Ngoài đại nhạc hội, hội chợ Tết có nhiều tiết mục hấp dẫn và rất nhiều gian hàng ăn uống, bánh mứt, hoa kiểng và các trò chơi giải trí vui Xuân.

Hàng bánh chưng là một gian hàng hấp dẫn nhiều khách vì đây là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Một bác đứng tuổi đang bán hàng giải thích:
SB: Bánh chưng


Những gian hàng hoa cũng được khách hàng đặc biệt để ý. Trong một gian hàng có chưng bày nhiều loại hoa Tết như hoa mai, hoa đào, cúc đại đóa và các cây kiểng hiếm quý, Ông Phan Vinh, một người đi hội Tết, rất vui mừng vì đã chọn được cành mai vừa ý, đầy nụ về chưng Tết. Ông chia sẻ là cành mai gợi cho ông nhiều kỷ niệm từ lúc đi học, đến lúc đi lính và những ngày bỏ quê hương ra đi:
SB ông Phan Vinh



Ở một gian hàng khác, Cô Mỹ Linh thích thú khi thấy có rất nhiền món ăn hấp dẫn và cô nói rằng hội Tết là dịp cho các thế hệ lớn tuổi sống lại những kỷ niệm ở quê nhà và cho giới trẻ biết thêm về những cái hay đẹp của quê hương trong ngày Tết:
SB Mỹ Linh



Trong khi người lớn để ý đến các gian hàng bông hoa, bánh mứt, thì các trẻ em lại chiếu cố các gian hàng trò chơi giải trí. Bé Vân và Tiffany đã giải thích là các em đang câu cá để lấy thưởng là kẹo, bánh và đồ chơi:
SB Vân & Tiffany


Dù trời rất lạnh, các vị lớn tuổi cũng không bỏ qua Hội Chợ Tết, bà Thanh Trúc, đã trên 70 tuổi, cho biết là rất vui khi thấy các gian hàng bán đủ các món ăn quốc hồn quốc túy. Bà chia sẻ là không khí hội chợ làm bà nhớ quê hương và thêm rằng bà muốn thế hệ con cháu biết đến nguồn gốc để sau này lớn lên tìm cách giúp đất nước
SB Ba Thanh Trúc


Không chỉ người Việt tham dự Hội Tết, mà nhiều người bản xứ cũng đến chung vui với người Việt Houston. Môt phụ nữ người Hoa Kỳ, bà Sylvia, tham dự chợ Tết, chia sẻ là từ ngày có cô con dâu là người Việt, năm nào bà và gia đình cũng tham dự các hội chợ Têt và bà rất khâm phục sự gắn bó, đoàn kết của cộng đồng người Việt tại Houston:
Bà Sylvia



Trong khi các gian hàng nhộn nhịp khách mua bán, ăn uống thì trên sân khấu đoàn múa lân bắt đầu trình diễn, tiếng pháo nổ vang trong tiếng trống múa lân làm cái lạnh ngoài trời như bớt lại, khiến mọi ngươi cảm thấy ấm áp.

Đi Hội chợ Tết có lẽ là phương thuốc nhiệm mầu giúp mọi người tạm quên đi những lo âu hàng ngày, sống lại những kỷ niệm thân thương đã mất từ ngày bỏ nước ra đi và hy vọng cho một năm mới tốt đẹp hơn.



Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas.

Friday, January 29, 2010

Nghề Trồng Cây tại Houston

Nghề Trồng Cây tại Houston


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư Jan/27/ 2010 -
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

nguon

Teaser: Tại Houston có nhiều nông trại ương cây trang bị những kỹ thuật hiên đại, do người Việt làm chủ, cung cấp cây kiểng chưng bày trong nhà, và cả các loại cây Viêt Nam, cho các siêu thị Hoa Kỳ và Việt trong vùng. Đây là những gương thành công rất đáng chú ý của người Việt tại Houston.




Ở Việt Nam, làm nghề trồng tỉa, làm chủ các nông trại ương cây ở Sài gòn, Đà Lạt hay Hà Nội là chuyện bình thường vì tại Việt Nam, nghề nông là nghề phổ quát. Tuy nhiên, nếu một người Việt tìm tự do định cư tại Houston làm nghề trồng tỉa, làm chủ nông trại lại là một điều hiếm có vì hầu hết những người bỏ nước ra đi đều không phải là nông dân. Hơn nữa, Houston thường được coi là thủ đô dầu hỏa và của kỹ nghệ không gian. Mặc dù vậy, tại Houston có một số nông trại ương cây nổi tiếng do người Việt làm chủ, trong đó phải kể đến vườn Joseph Đoàn và JRN nusery, là những gương thành công rất đáng chú ý.


Các trại cây này rất qui mô, áp dụng những kỹ thuật tân tiến và mức sản xuất cung ứng cho thị trường Houston rất đáng kể.

Ông Đoàn Bốn, chủ trại Joseph Đoàn đã tâm sự là khi ở Việt Nam ông chưa hề làm nhà nông. Khi qua Mỹ ông học toán nhưng khi tốt nghiệp, ông phải giúp người anh làm việc trong một trai ương cây và học nghề từ đó:
SB: Ông Bốn



Ông Bốn chia sẻ là trại Joseph Đoàn hiện đang có 42 nhà trồng cây nhiệt đới, trang bị hệ thống tưới nước và điều hòa nhiệt độ tự động để giữ nhiệt độ và độ ẩm đúng theo tiêu chuẩn của từng loại cây.
SB:



Trại Joseph Đoàn chuyên bán sỉ cho các siêu thị tại Houston. Ông Bốn cho biết là sau khi tạo được sự tín nhiệm của các hệ thống siêu thị, trại của ông trồng theo đơn đặt hàng của họ. Ông ước lượng hàng năm trại cây Joseph Đoàn cung cấp khoảng 1 trăm ngàn chậu cây xanh và khoảng 15 ngàn chậu cây Trạng Nguyên vào dịp Giáng Sinh cho các siêu thị. Ngoài ra, ông còn cung cấpkhoảng 12 ngàn chậu hoa cúc cho các siêu thị Việt trong dịp tết Nguyên đán.
SB



Một khách hàng đang lựa hoa tại trại Joseph Đoàn là bà Loan nói rằng hoa tại đây phẩm chất tốt, bà rất tín nhiệm nên đến mua hoa cho đám hỏi của con gái và cũng để đặt mua hoa cho Tết Nguyên Đán sắp tới.
SB: Bà Loan



Tại vùng Tây Bắc Houston có một vườn ương cây nổi tiếng khác và cũng là nơi bán lẻ là JRN nursery. JRN chuyên trồng và bán các loại cây chưng bày trong nhà nhưng đặc biệt hơn cả là tại đây còn có đủ loại hoa trái Việt Nam như khế, xoài, cóc, mận, ổi và các loại hoa tết như Mai, Lan, Cúc Đại Đóa, Thủy Tiên, Cẩm Chướng là những loại hoa được người Việt ưa chưng bày trong dịp Tết để nhớ hương vị ngày Xuân tại quê nhà.



Chủ vườn là cô Hải Vân, cho biết vườn này có 15 nhà vòm ương cây (green house) trên một diện tích hơn 2 mẫu tây, và mỗi căn đều có hệ thống tưới cũng như điều hòa nhiệt độ tự động.

Khách hàng của JRN một nửa là người Mỹ, phần còn lại là người Việt, và những sắc dân Á châu khác. Nhiều khách hàng đã thẫn thờ ngắm chậu mai 6 cánh đầy nụ sẽ nở vào dịp Tết sắp tới. Nhiều người khác thì ngẩn ngơ trước những cây khế chỉ cao ngang vai mà có hàng trăm trái.
SB: Cô Hải Vân


Được hỏi về những vui buồn trong nghề trồng cây tại Hoa kỳ, Cô Hải Vân chia sẻ là niềm vui nhất trong nghề này là được thấy những bông hoa đẹp hàng ngày:
SB: Cô Hải Vân



Còn Ông Bốn thì rất hãnh diện khi thấy khách hàng tín nhiệm, khen ngợi sản phẩm của ông có phẩm chất cao. Ông thêm rằng trong nghề này cũng luôn cần học hỏi các kỹ thuật mới , làm sao cho hoa phải nở đẹp và nở đúng lúc và trong mọi thời tiết.
SB: Ông Bốn



Ở Việt Nam ngày xưa có câu Nhất Sĩ Nhì Nông. Qua Mỹ, những giới hạn gò bó của xã hội không còn nữa. Với óc sáng tạo, tinh thần cầu tiến và sự làm việc chăm chỉ, nhất là được sống trong chế độ tư do, nhiều người Việt đã vượt thắng những trở ngại ban đầu, đạt được giấc mơ thành công đáng khâm phục.



Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas.

Houston tưởng niệm các tử sĩ VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa


Houston tưởng niệm các tử sĩ VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa

Tuesday, January 19, 2010






Houston tưởng niệm các tử sĩ VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa



Lễ tưởng niệm các tử sĩ bỏ mình bảo vệ Hoàng Sa trang nghiêm và xúc động.

(Hình: Nguyễn Phục Hưng)




Nguyễn Phục Hưng/Người Việt (Từ Houston, Texas)


HOUSTON, Texas (NV) - Tối Chủ Nhật, 17 Tháng Giêng, 2010, Hội Ái Hữu Hải Quân tại Houston đã tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm các tử sĩ trong trận Hoàng Sa, một trận hải chiến lịch sử của Hải Quân VNCH chống lại sự xâm lăng của Trung Quốc năm 1974.


Trận hải chiến Hoàng Sa xảy ra ngày 19 Tháng Giêng, năm 1974, khi Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu chống lại Hải Quân Trung Cộng để bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Cuộc chiến ác liệt đã gây ra thiệt hại về vật chất lẫn nhân mạng cho cả đôi bên. Riêng về phía VNCH, 74 chiến sĩ Hải Quân đã hy sinh, 16 người bị thương và 48 người bị Hải Quân Trung Cộng bắt làm tù binh. Hạm trưởng chiến hạm HQ-10 Ngụy Văn Thà hy sinh theo tầu.


Cựu Thiếu Tá Hải Quân Nguyễn Ngọc Giang, người đã tham dự cuộc hải chiến Hoàng Sa, trong bài phát biểu nói rằng về phía Trung Cộng, có 2 chiến hạm bị bắn chìm, 2 chiến hạm bị hư hại nặng. Số quân nhân Trung Cộng bị tử thương gồm có 4 hạm trưởng, thì có 3 đại tá, 1 trung tá và tư lệnh mặt trận, tức là tư lệnh phó hạm đội Nam Hải cùng toàn bộ tham mưu của ông đều bị tử thương, gồm có 1 đô đốc, 4 đại tá, 6 trung tá, 2 thiếu tá và 7 sĩ quan cấp úy. Bốn chiến hạm trực tiếp tham chiến thì hoặc là bị chìm hay bị phá hủy sau đó


Lễ tưởng niệm các anh hùng tử sĩ Hoàng Sa đã được Hội Ái Hữu Hải Quân tại Houston năm nay có rất nhiều người Việt tại Houston tham dự, trong đó có một số sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ gốc Việt, nhiều cựu quân nhân thuộc các binh chủng trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa kể cả một số cựu tướng lãnh đã đặt vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh.


Buổi lễ rất trang nghiêm trước bàn thờ thủy tổ Hải Quân với chiêng trống cổ truyền. Ban tổ chức nhắc nhở mọi người là 74 Anh Hùng Tử Sĩ đã hy sinh tại vùng biển Hoàng Sa đã trở thành chứng tích cho chủ quyền của Việt Nam trên vùng lãnh hải này.


Cử tọa đều xúc động khi tên các chiến sĩ hy sinh được xướng lên với từng ngọn nến tượng trưng cho mỗi tử sĩ trong lễ truy điệu.


Lễ tưởng niệm năm nay có nhiều ý nghĩa quan trọng vì những tranh chấp chủ quyền đảo Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam đang trở thành nóng bỏng. Trung Quốc đã loan báo một kế hoạch phát triển Hải Nam thành một trung tâm du lịch trong đó bao gồm cả Hoàng Sa. Theo một bản tin của hãng thông tấn Pháp AFP, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nói rằng hành động của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam” và vẫn theo nguồn tin này, bà Nga cũng nói rằng Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này.


Ðược hỏi về lời tuyên bố của bà Nguyễn Phương Nga, cựu Trung Tá Hải Quân Nguyễn Văn Tòng đang tham dự buổi lễ tưởng niệm, đã cho rằng các lời phản đối chỉ nói cho có lệ để xoa dịu sự bất mãn của nhiều người trong nước .


Anh Lê Bửu, một người trẻ trong cử tọa, cho rằng lễ tưởng niệm là một việc nên làm để nhắc nhở thế hệ trẻ về sự hy sinh của cha anh trong việc bảo vệ đất nước và anh cũng đồng ý là sự phản đối của nhà nước Việt Nam không đủ cương quyết.


Ông Lê Ngọc Danh cho rằng hiện nay Hải Quân Trung Quốc rất mạnh so với Việt Nam nên những lời phản kháng không có hiệu quả. Theo ông nhà nước Việt Nam cần cứng rắn hơn như Việt Nam Cộng Hòa đã làm, dù biết rằng mình yếu hơn. Ông thêm rằng Việt Nam phải vận động mạnh hơn về mặt công pháp quốc tế, vận động sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc và khối ASEAN, tạo bằng chứng là chủ quyền Việt Nam đã bị xâm phạm để mai sau Việt Nam sẽ có thể đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa.


Lễ truy niệm Anh Hùng Tử Sĩ trận hải chiến Hoàng Sa là một dịp nhắc lại cho thế hệ trẻ những sư hy sinh cao cả của các chiến sĩ Việt Nam trong sứ mạng bảo vệ tổ quốc, như Ðề Ðốc Hải Quân Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu chỉ huy trưởng Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải Việt Nam năm 1974, đã viết trong tập hồi ký của ông:


“Sự hy sinh của các thủy thủ can trường vẫn còn là một bằng chứng bằng xương bằng máu để con cháu chúng ta tranh đấu trước tòa án quốc tế để đòi hỏi Trung Cộng phải giao trả các đảo này cho Việt Nam.”

Thursday, January 14, 2010

Phong Trào Ăn Chay tại Houston

Phong Trào Ăn Chay tại Houston

Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh ngày Thứ Tư Jan/13/ 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguon

Teaser:

Ăn chay là một phong trào mới của các nước phát triển và rất phổ cập tại Hoa Kỳ nói chung và Houston nói riêng. Những lý do dẫn đến việc ăn chay có thể là những ý niệm từ bi cao cả như tránh sát sanh, hay ý niệm thời thượng như bảo vệ trái đất, môi sinh hoặc là liên hệ đến vấn đề bảo vệ sức khỏe, tránh mập phì, tránh bệnh hoạn.



Đối với người Việt Nam, ăn chay không phải là môt chuyện mới lạ. Tuy nhiên, thường người Việt ăn chay vì lý do tôn giáo hơn là sức khỏe. Trong khoảng một thập niên gần đây phong trào ăn chay ở Hoa kỳ và các nước Tây phương trở thành phổ quát hơn vì Tây phương đã xem việc không ăn thịt cá, ăn nhiều rau trái và các loai hạt là một phương pháp dưỡng sinh mới để duy trì một sức khỏe tốt và một số người còn cho ăn chay là một biện pháp giải quyết nạn địa cầu đang bị hâm nóng.



Nhiều cuộc nghiên cứu cho biết việc ăn chay có thể làm giảm hàm lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu, và cho rằng dùng những thực phẩm gốc thực vật có thể giúp giảm các bịnh về tim mạch, bệnh áp huyết cao, bệnh sạn thận, và một số bênh ung thư. Ăn chay để có sức khỏe tốt đã trở thành một phong trào tại Hoa Kỳ nói chung và tại Houston, nói riêng. Tại đây, nhiều nhà hàng Pháp, Ý, Mexico, Tầu và Việt, trong thực đơn cũng còn có món chay cho những người kiêng thịt cá. Ngoài ra, cũng có nhiều nhà hàng chay; trong số này có tiệm Loving Hut, chủ nhân là người Việt nhưng đa cố khách hàng là người Hoa Kỳ. Quản lý nhà hàng cho biết mục đích của Loving Hut là cổ vũ mọi người ăn chay để tăng sức khỏe và nhất là để bảo vệ trái đất:
SB: Quản lý nhà hàng Loving Hut



Cô Caroline, một thực khách đang ăn tối tại đây nói là cô dẫn bạn tới ăn để giới thiệu món ăn chay vì lý do bảo vệ môi sinh và vì món chay rất ngon.
SB: Cô Caroline



Trong khi đó, với các tu sĩ Phật giáo và Phật tử, thì mục đích của ăn chay là để nuôi dưỡng lòng Từ Bi, giúp cho việc tu tập và đồng thời tăng cường sức khỏe. Tại Thiền Tự Chân Nguyên ở phía bắc Houston, Ni Sư Thuần Hạnh, 68 tuổi là một dược sĩ trước khi xuất gia gần 40 năm trước đây, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân là ăn chay về phương diện y dược rất tốt cho cơ thể, tuy nhiên cần phải ăn các thứ đậu hạt cho đủ chất đạm theo dinh dưỡng chứ đừng ăn chay theo khẩu vị.

"Ăn chay thì có các thứ đậu mà họ đậu thì có nhiều protein lắm. Đậu nành có chất Leucine, là một acid amine rất là quan trọng. Đậu phọng thì có acid amine Tryptophan , cũng là một chất quan trọng. Mè thì có acid amine Methionine của dây acid amine. Nếu ăn chay mà biết kết hợp thì khá đầy đủ bởi vì 3 acid amine đó là 3 chất acid amine rất quan trọng"



Ông Long, một phật tử, hơn 40 tuổi, làm công việc đòi hỏi nhiều sức khỏe, nói là ông ăn chay trường nhiều năm nay và ông vẫn khỏe mạnh làm những việc nặng và ít bệnh vặt:
SB Ông Long



Còn Cô Lan, có hai con, nói là cô đã ăn chay nhiều năm, ngay cả thời mang thai, để nuôi dưỡng lòng từ bi nhưng sức khỏe của cô và của hai con của cô cũng rất bình thường dù 2 con nhỏ của cô cũng ăn chay như cô ngoại trừ lúc các em ở trường học:
SB Cô Lan



Ông Khen, một phật tử khác chia sẻ là ăn chay và bơi lội làm ông dẻo dai hơn, làm việc ít mệt :
SB: Ông Khen



Ngày nay, ăn chay là một phong trào rất phổ cập tại các nước phát triển. Khi chọn chế độ ăn chay, mỗi người có một lý do khác nhau; người thì ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi, người thì vì lý do sức khỏe và có người lại cho rằng ăn chay là một cách bảo vệ địa cầu.

Dù với lý do nào đi nữa, phong trào ăn chay làm mọi người nhớ đến câu nói của nhà bác học Albert Einstein, một người cũng ăn chay, đã phát biểu từ thế kỷ trước: “Không gì ích lợi cho sức khỏe con người và cũng đồng thời làm làm tăng cơ may sinh tồn trên quả địa cầu bằng việc tiến hóa đến một chế độ ăn chay”. (Nothing will benefit human health and increase chances for survival of life on Earth as much as evolution to a vegetarian diet.)



Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas.