Thursday, March 18, 2010

Ra mắt Tác phẩm Hoa Đào Năm Ngoái - Nguyễn Hữu Nhật

Get this widget | Track details | eSnips Social DNA


Ra mắt Tác phẩm Hoa Đào Năm Ngoái - Nguyễn Hữu Nhật



Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện

Phát thanh Thứ Tư, March 17 - 2010

Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)




Chiều Chủ nhật ngày 7 tháng 3, năm 2010, tại hội quán Little Saigon Radio Houston, đã có một buổi họp mặt văn nghệ để ra mắt tác phẩm Hoa Đào Năm Ngoái của Tác giả Nguyễn Hữu Nhật với sự tham dự của rất nhiều văn nghệ sĩ tại Houston. Nguyễn Hữu Nhật đang định cư tại thành phố Oslo, Vương Quốc Na Uy, ông là một nhà văn, một nhà thơ và cũng là một họa sĩ có nhiều tác phẩm giá trị đã xuất bản tại Na Uy, và được nhiều người biết đến.

Trong phần giới thiệu tác giả, Nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân, với tư cách là bạn tù của tác giả, đã nhắc lại rằng Nguyễn Hữu Nhật đã trải qua 12 năm tù trong trại cải tạo sau biến cố 1975 và mãi tới năm 1989 mới được tỵ nạn tại Vương Quốc Na Uy.

“Nguyễn hữu Nhật là một người lính, người tù, đã thăng trầm theo vận nước. Anh đã chịu biết bao đọa đày, từ Nam chí Bắc suốt 9 năm trường và hai năm sau anh lại bị bắt lần thứ hai trong vụ án những người tổ chức cầm bút... như vậy là tổng cộng 12 năm”


Nhà thơ Lan Cao, trong phần giới thiệu tác phẩm, đã đặc biệt nhắc tới những điểm diễm tình của tác phẩm là mối tình lãng mạn của Quang Trung với Ngọc Hân công chúa khi vị Hoàng Đế vừa dẹp xong quân Thanh đã đích thân mang một cành đào từ Thăng Long về Phú Xuân tặng người yêu.

“Trên đường từ Bắc Hà, sau khi đánh quân Thanh trở về, Quang Trung đã chặt một cành đào. Trên lưng ngựa, ông vội vàng ôm cành đào, vội vàng chạy về để tặng Ngọc Hân”


Tác phẩm Hoa Đào Năm Ngoái /( hay là Ngọc Hân Công Chúa) vừa được Saigon Nghĩa Thư xuất bản tại Oslo, Na Uỵ. Theo tác giả thì Hoa Đào Năm Ngoái là một Tiểu Thuyết hư cấu, viết về cuộc đời thăng trầm của Công chúa, Hoàng hậu, Thái Hậu Lê Ngọc Hân, trong bối cảnh lịch sử của Việt Nam vào thế kỷ thứ 18 khi nhà Tây Sơn vươn lên, nhà Lê suy tàn, Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi nhà Tây sơn suy tàn và Chúa Nguyễn thống nhất đất nước. Vẫn theo tác giả, cuộc đời của Công Chúa Ngọc Hân chỉ là cái cớ để tác giả đưa ra một cách nhìn riêng tư về lịch sử Việt Nam trong bối cảnh đó, một bối cảnh mà mọi người dân tha thiết được sống trong yên bình nhưng các vua chúa đã không ngừng những tranh chấp chính trị không trong sáng, kể cả những việc cõng rắn cắn gà nhà để củng cố uy quyền, làm cho muôn dân cơ cực.

Trong phần thảo luận, tác giả đã nhắc lại những ước vọng của ông khi viết Hoa Đào Năm Ngoái là nói lên tinh thần và tư tưởng Quang Trung, đó là ngoài việc xây dựng sức mạnh quân sự còn phải bảo tồn văn hóa đặc thù của dân tộc và vận động sự tham gia của toàn dân trong cuộc chiến chống bắc xâm và ông đề nghị thành lập một thư viện Văn Hóa Quang Trung tại Houston là nơi thường được coi là một thủ phủ văn hóa Việt Nam hải ngoại:

"Mình nên tìm hiểu lịch sử để nhấn mạnh 3 điều: Thứ nhất là tinh thần và tư tưởng của vua Quang Trung là ngọn đuốc và thanh gươm. Thứ hai là giữ nước bằng chữ Nôm và tiếng mẹ đẻ. Thứ ba tinh thần Toàn Dân Chiến Đấu. Tôi ao ước rằng quí vị ở đây, thành phố này là thủ phủ của Văn Hóa Miền Nam Hoa Kỳ, quí vị sớm hình thành một cái thư viện Văn Hóa Việt Nam, tức là Thư Viện Văn Hóa Quang Trung”


Lời đề nghị lập thư viện Quang Trung của tác giả Nguyễn Hữu Nhật đã được nhiều cử tọa hưởng ứng.Tiến sĩ Michael Hòa đã lên tiếng ủng hộ:

“Chúng tôi thật sự vui mừng nếu có một Thư viện Văn Hóa Quang Trung ở tại đây, như một thí điểm để gìn vàng giữ ngọc mà trong tương lai là Thư Viện Văn Hóa Việt Nam”


Một trong hai người điều hợp chương trình buổi ra mắt sách, Cô Quỳnh Lan đã nêu lên thắc mắc về bài thơ Tự Do! Ôi Tự Do của tác giả Nguyễn Hữu Nhật ghi ngay trên bìa tác phẩm Hoa Đào Năm Ngoái :

“Cái câu thắc mắc đó là nằm trong bốn câu thơ của nhà thơ Nguyễn hữu Nhật:

Nếu thật chờ nhau mà hóa đá,

Thì xin thử đợi một lần xem

Chỉ ngại khi tôi thành núi biếc

Ngàn năm không thấy dấu chân em

Không biết qua 4 câu thơ này, nhà thơ Nguyễn hữu Nhật đã nói lên cái tâm trạng gì?”




Tác giả Nguyễn Hữu Nhật cũng chia sẻ rằng đây chính là tâm tư khao khát tự do mà ông muốn gửi gấm.

“Về vấn đề cái bài thơ đó thì không phải là anh anh em em đâu, mà là tôi muốn nói với Tự Do. Tại sao dân tộc chúng ta mãi cho đến ngày nay đã là thế kỷ thứ 21 mà vẫn chưa có Tự Do. Tại sao ? Chúng ta khao khát Tự Do ghê lắm ...”



Nguyễn Hữu Nhật đã nêu lên một câu hỏi và có lẽ cũng là niềm khắc khoải chung của mọi người Việt Nam.



Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

No comments: