Tuesday, May 25, 2010

Triển Lãm Ảnh Nghệ Thuật Tại Houston

Triển Lãm Ảnh Nghệ Thuật Tại Houston


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, May 19, 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Người Việt tại Houston là một cộng đồng có nhiều sinh hoạt đa dạng. Ngoài các sinh hoạt chính trị, từ thiện… người Việt tại đây còn thường xuyên có nhiều sinh hoạt văn hóa xã hội. Trưa Thứ bảy, ngày 8 tháng 5, năm 2010, hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam, vùng Trung Nam Hoa Kỳ đã khai mạc một buổi triển lãm kéo dài 1 tuần tại Houston.

Hội trưởng Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ là giáo sư Lê Văn Khoa đến từ tiểu bang California để tham dự buổi khai mạc này. Ông không chỉ là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Việt Nam mà còn là một nhạc sĩ tài ba. Ông cho biết Hội chính thức thành lập tại Viêt Nam từ năm 1968, và tiếp tục hoạt động tại Hoa Kỳ . Hội có nhiểu phân hội ở các vùng khác nhau . Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam, Vùng Trung Nam Hoa Kỳ có trụ sở tại Houston được chính thức thành lập từ năm 1982. Được hỏi cảm tưởng về cuộc triển lãm này, ông Lê Văn Khoa nói đây là một niềm vui lớn vì ông thấy năm nay Houston có thêm nhiều hội viên mới và các tác phẩm trưng bày cũng có nhiều tiến bộ về nghệ thuật:

“Niềm vui lớn là thấy có nhiều anh em mới tham gia và những anh em cũ đều có tác phẩm vượt trội hơn những năm trước. Có nghĩa là có sự tiến bộ, và sự tiến bộ chung đó mới là quan trọng”


Ông Võ Văn Thạnh, Hội trưởng Phân Hội Ảnh Nghệ Thuật vùng Trung Nam Hoa Kỳ cho biết là Hội có nhiều hội viên, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ 26 đến 78 tuổi. Theo ông, với người lớn tuổi thì nhiếp ảnh là môn giải trí thanh nhã, còn các bạn trẻ thì đi tìm sáng tạo nghệ thuật nhưng họ có cùng mục đích là mong đóng góp nghệ thuật của người Việt vào xã hội Hoa Kỳ:

“Ngoài chuyện cho cá nhân mình thì mình còn để lại cho đời, cho xã hội này sự đóng góp về nghệ thuật của người Việt Nam chúng ta”


Đề cập đến các sinh hoạt của hội ảnh vùng Trung Nam Hoa Kỳ mà đa số là tại Houston, ông Võ Văn Thạnh cho biết là ngoài các buổi họp hàng tháng để chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên, Hội còn tổ chức những chuyến đi xa săn hình nhiều nơi trên Hoa Kỳ, Canada hay có khi đi xa như Viêt Nam nữa, và mỗi chuyến kéo dài 1 hay 2 tuần. Ngoài ra, vẫn theo ông Thạnh, hàng năm Hội có tổ chức triển lãm và các khóa hướng dẫn chụp ảnh nghệ thuật miễn phí để nâng cao trình độ thưởng lãm cũng như kỹ thuật nhiếp ảnh của đồng hương:

“Mỗi năm chúng tôi mở lớp dạy nhiếp ảnh miễn phí để cho người Việt chúng ta có cơ hội học hỏi, tìm tòi để từ đó biết nghệ thuật nhiếp ảnh…”


Buổi triển lãm được đồng hương Houston yêu chuộng ảnh nghệ thuật đón nhận nồng nhiệt. Dân biểu tiểu bang Texas Hubert Võ trao tặng bằng ban khen của quốc hội Texas cho ông Hội Trưởng Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam và ca tụng tinh thần phục vụ nghệ thuật của hội ảnh:

“Hôm nay tiểu bang Texas chúc mừng Hội đã được nhiều năm thành lập và cũng xin chúc mừng buổi triển lãm hôm nay”


Nhiếp ảnh gia kỳ cựu Văn Vũ đến xem triển lãm nhận xét là năm nay có nhiều tác phẩm trưng bày hơn, đẹp hơn những năm trước, các tác phẩm đa dạng và phong phú hơn:

“Rất là nhiều ảnh và đa dạng cũng như là về phong cách của mỗi người nhiếp ảnh thì tôi thấy có nhiều phong cách khác nhau…”


Một bà khách lớn tuổi là Bà Ngọc Hương đồng ý với nhận xét của nhiếp ảnh gia Văn Vũ và nói rằng cuộc triển lãm năm nay có rất nhiều ảnh nghệ thuật:

“Mỗi một năm thì hình ảnh càng đẹp hơn, càng nhiều nhân tài hơn nữa nên cho những bức ảnh nghệ thuật rất đẹp, rất sâu sắc”


Một hội viên có ảnh được giải thưởng đang trưng bày trong phòng triển lãm là Bà Thu Nguyệt chia sẻ sự vui mừng của bà:

“Dạ, rất vui mừng khi được lãnh giải tại vì tôi cũng cố gắng học. Năm nay là năm thứ 2..”


Nhiều bạn trẻ cũng đến tham dự buổi triển lãm. Cô Thùy Liên cho biết là năm nào Cô cũng đến xem triển lãm của hội ảnh nghệ thuật và năm nay cô rất vui vì thấy có thêm nhiều ảnh để xem:

“Tôi cũng đi coi nhiều năm thì thấy năm nay có nhiều hình rất phong phú, đẹp lắm. Có nhiều tấm hình rất đặc biệt”


Cuộc triển lãm cũng thu hút nhiều khách hâm mộ nghệ thuật người Hoa Kỳ. Ông Ron Harvey, một cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng thật là một điều tốt khi những người gốc Việt có cùng sở thích đã quy tụ để cùng tổ chức được buổi triển lãm nghệ thuật này:
SB Harvey

Một người Hoa Kỳ khác là bà Owen thì thấy các tác phẩm nhiếp ảnh có nhiều nét rất đặc biệt:
SB Owen

Cuộc triển lãm có nhiều ảnh đẹp và đa dạng dưới góc nhìn khác nhau của các nhiếp ảnh gia , từ vùng cao nguyên Việt Nam đến những cụ già người da đỏ, thổ dân Hoa Kỳ, rồi đến những sinh hoạt hàng ngày tại Houston. Những bức ảnh nghệ thuật đã phản ánh ước vọng của hội ảnh là ‘để lại cho xã hội một đóng góp nghệ thuật của người Việt’ như lời ông hội trưởng Võ Văn Thạnh đã chia sẻ.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Nhóm (Từ Thiện) Tình Thương tại Houston

Họp mặt gây quỹ của Nhóm Tình Thương


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, May 12, 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM

Nguồn


Sau 35 năm rời bỏ quê cha đất tổ, hàng triệu người Việt lưu vong khắp nơi trên thế giới đã có cuộc sống ổn định. Nhìn về quê hương với rất nhều người bất hạnh, từ các em bé bịnh tật đến các cụ già neo đơn, thiếu ăn thiếu mặc, nhiều hội đoàn tôn giáo cũng như tư nhân đã có những chương trình từ thiện nhằm giúp đỡ những người thiếu may mắn. Tại Houston có rất nhiều cơ quan từ thiện giúp Việt Nam, trong số này có Nhóm Từ Thiện Tình Thương tức là “The Abandoned Little Angles", tạm dịch “những thiên thần nhỏ bé bị lãng quên”, là một hội Thiện Nguyện giúp đỡ những trẻ em nghèo khuyết tật trong nước.

Vào giữa tháng Tư vừa qua, Nhóm Từ Thiện Tình Thương đã tổ chức một buổi tiệc gây quỹ tại Houston, với hơn 600 quan khách tham dự. Hội trưởng Nhóm Tình Thương là Bà Tú Chung cho biết Nhóm Tình Thương đang giúp đỡ khỏang 3000 trẻ em nghèo khuyết tật tại trên 60 địa điểm ở Việt Nam, từ Nam ra Bắc, không phân biệt tôn giáo. Mỗi năm Nhóm có các chuyến về Việt Nam để mang quà đến các trẻ em qua sự tổ chức của các nhà dòng Công giáo cũng như các Chùa, mà không qua các quan chức địa phương tại Việt Nam.

“Chúng tôi đã giúp được trên 60 nơi bên Việt Nam từ Cà Mâu cho đến Tất Khê, gần Cao Bằng. Chúng tôi ước lượng khoảng gần 3 ngàn em”


Linh Mục Phạm Hậu là Linh Mục Tuyên úy của Nhóm Tình Thương chia sẻ tình trạng thương tâm của các trẻ em khuyết tật đang bị bỏ rơi mà ông có dịp chứng kiến khi hướng dẫn Nhóm Tình Thương về Việt Nam.

“Các em bị khuyết tật rất là nhiều ở Việt Nam. Nhiều em sinh ra bị câm, đui, mù … rất là nhiều. Nhiều khi bố mẹ không chịu nuôi, thấy con em bị khuyết tật thì vất ra ngoài đường vì họ không có tiền để nuôi, cho nên rất là tội …”


Trong số những người hoạt động hăng say để trợ giúp các hoạt động từ thiện của Nhóm Tình Thương tại Việt Nam có Linh Mục Frederic Rossignol, là một tu sĩ trẻ người Bỉ (Belgium). Linh mục Rossignol có tên Việt là Trần Sỹ Hòa và ông có thể nói tiếng Việt rất lưu loát. Linh mục Trần sỹ Hòa chia sẻ ông rất vui trong việc mang nụ cười đến cho các trẻ em bất hạnh trên các vùng quê Việt Nam trong 3 năm qua:
“Cha rất vui cộng tác với Nhóm Tình Thương từ 3 năm rồi …”


Linh Mục Phạm Hậu cũng nói là Nhóm luôn cố gắng tránh mọi sự thất thoát, bằng cách tổ chức mang thẳng quà tặng đến tận tay các em và mặc dù công tác từ thiện của Nhóm đôi khi gặp trở ngại từ các quan chức Việt Nam nhưng Nhóm vẫn luôn giữ được tính cách độc lập trong các cuộc cứu trợ:

“Chính quyền hoàn toàn không giúp đỡ gì cả mà nhiều khi còn gặp trở ngại nữa như là họ làm khó dễ mình …”


Đề cập đến sự e ngại của nhiều người cho rằng việc giúp đỡ của họ vô tình tạo cơ hội cho nhà nước Việt Nam càng bỏ rơi các trẻ em bất hạnh, Linh Mục Phạm Hậu nói rằng đã hơn 30 năm qua các trẻ em này chỉ trông nhờ vào tình thương của các nhóm từ thiện mà thôi.

“Như chúng ta thấy, hơn 30 năm rồi Cộng sản chẳng làm gì hết. Bây giờ, nếu mình nghĩ như vậy mà mình không giúp mà để Cộng sản tự lo lấy, họ cũng chẳng lo đâu”


Nhiều tín đồ các tôn giáo khác cũng tham gia công tác từ thiện này. Một Phật Tử là Bà Tâm Hạnh nói là chương trình của Nhóm Tình Thương rất thiết thực và bà đến để hỗ trợ.SB Tâm Hạnh
Có nhiều bạn trẻ cũng hăng hái giúp đỡ ban tổ chức. Em Linh đang bận rộn tiếp khách nói là em biết mục đích của buổi gây quỹ là quyên góp để giúp đỡ các trẻ em bất hạnh tại Việt Nam nên đến giúp Ban Tổ Chức :
SB Linh

Trong các khách tham dự còn có nhiều người thuộc các sắc dân khác. Một người Mỹ gốc Hoa là ông James Woo, cũng hân hoan đến tham dự để ủng hộ công tác từ thiện của Nhóm Tình Thương:
SB Jame Woo.

Buổi tiệc gây quỹ thành công tốt đẹp và kết quả cho biết là ban tổ chức đã quyên góp được một ngân quỹ khoảng 83,700 Mỹ Kim để giúp đỡ các trẻ em bất hạnh tại quê nhà.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Lễ Tưởng Niệm Đêm Quốc Hận 30/4/1975 Tại Houston

Lễ Tưởng Niệm Đêm Quốc Hận 30/4/1975 Tại Houston

Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, May 5, 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Trong những ngày cuối Tháng Tư 2010, Cộng Đồng người Việt tại Houston đã có môt loạt những sinh hoạt cộng đồng để tưởng niệm biến cố 30 tháng Tư, 1975. Ngày thứ Bảy24 tháng Tư thì có Đêm Không Ngủ tại trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia để cùng chia sẻ nỗi vui buồn trong những ngày Tháng Tư năm 1975. Cao điểm của sinh hoạt tháng tư là buổi lễ được ban tổ chức đặt tên là Lễ Tưởng Niệm 35 Năm Quốc Hận vào tối Chủ nhật 25 tháng Tư. Vào trưa thứ sáu ngày 30 Tháng Tư còn có một cuộc biểu tình của nhiều người Việt trước tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam, kêu gọi nhà nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền và bảo vệ lãnh thổ.

Riêng buổi lễ mang tên Lễ Tưởng Niệm 35 Năm Quốc Hận vào tối Chủ nhật, ngày 25 tháng Tư có sự tham dự của khoảng 5000 đồng hương, kể cả các phái đoàn cộng đồng người Việt tại các tỉnh lân cận như Austin, San Antonio và Dallas cũng như nhiều vị lãnh đạo tôn giáo, chính tri và quan khách địa phương. Chương trình lễ Tưởng Niệm ngoài phần nghi lễ cầu nguyện cho đất nước và dân tộc được an bình hạnh phúc của các vị trong hội đồng liên tôn và phần phát biểu của các chức sắc Việt-Mỹ trong cộng đồng còn có phần văn nghệ do các nghệ sĩ địa phương, và các thành viên đoàn Hưng Ca đến từ nhiền nơi trên Hoa Kỳ.

Những người tham dự đã hoan hô vang dậy khi 35 ngọn đuốc tượng trưng cho 35 năm sống xa quê hương được các em sinh viên học sinh rước lên khán đài trong tiềng hát của đoàn Hưng Ca.

Phát biều trong buổi lễ, dân biểu liên bang đơn vị Houston, là ông Al Green tuyên bố là ông sẽ luôn ủng hộ ước vọng của cộng đồng người Việt là đòi hỏi dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam:
SB Al Green


Nghị Viên thành phố là Luật sư Hoàng Duy Hùng, với tư cách đại diện cho Thị trưởng và Hội Đồng thành phố Houston phát biểu là Thị Trưởng và Hội đồng thành phố ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng người Việt vào việc phát triển Houston trong suốt 35 năm qua và luôn ủng hộ nguyện vọng đòi Tự do và Dân chủ cho Việt Nam của cộng đồng người Việt.

“Thành phố công nhận nơi quí vị là một tập thể đã đóng góp cho thành phố giàu mạnh trong 35 năm qua … cho nên thành phố lúc nào cũng sát cánh với quí vị trong công cuộc đấu tranh cho Tự do, Dân chủ trong nước…”


Những người tham dự buổi lễ đã vẫy cờ và hô to những khẩu hiệu đòi tự do và dân chủ cho Việt Nam, nhất là khi ban tổ chức loan báo sẽ có biểu tình trước tòa Tổng Lãnh Sự vào trưa ngày Thứ sáu, 30 Tháng Tư năm 2010.
SB


Tuy nhiên cũng có những người đi dự với nét trầm mặc suy tư. Ông Thắng đã tâm sự 30 tháng Tư là một ngày buồn, vì ngày này cũng là ngày giỗ cha của ông và làm ông nhớ những ngày lao động liên tục cho đến khi ông vượt biển tìm tự do:

“Cha mẹ tôi chết ngay ngày đó, cha tôi chết năm 1975, ngày 30 Tháng 4. Tôi ra đây để nhớ lại cái quá khứ ngày xưa khi cộng sản họ vô …”


Môt đồng hương khác tham dự buổi lễ là Bà Trang thì nói Bà đến tham dự để tưởng nhớ Tháng Tư năm xưa và góp một bàn tay giúp Việt Nam tốt đẹp hơn:

“Nhân 35 năm ngày quốc hận, tôi đến đây để tưởng nhớ ngày quốc hận, cùng nhau góp tay để làm gì đó cho nước Việt Nam better hơn”


Ông Tiên là một cựu quân nhân thì chia sẻ là cuộc sống của ông nay đã ổn định nhưng ông buồn cho số phận những cựu thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ở trong nước đang bị loại khỏi xã hội hiện tại và ông đến tham dự để góp tiếng nói cho quê hương được thanh bình:

“Đối với cá nhân và gia đình chúng tôi thì qua đây đã được ổn định nhưng vẫn còn nghĩ đến những thương phế binh của Việt Nam Cộng Hòa còn ở lại Việt Nam thật là tội nghiệp. Họ bị loại ra khỏi xã hội Việt Nam hiện nay…”


Trong khi đó thì em Hạ Vi, một thiếu nữ 18 tuổi mới từ Việt Nam qua du học với sự bảo trợ của thân nhân, nói lúc ở Viêt Nam em được dạy ngày này là ngày Chiến Thắng và em không được biết đến những đau thương của Biến Cố Tháng Tư.

“Thời gian ở Việt Nam người ta nói 30 Tháng Tư là ngày chiến thắng, độc lập … Em cũng không biết rõ …”


Và Dân Biểu tiểu bang Texas Hubert Võ thì nhắc đến ý nghĩa tích cực và cho rằng Tưởng Niệm ngày 30 tháng Tư sau 35 năm là một dịp để chúng ta cùng hướng về tương lai:

“Ngày hôm nay không chỉ là ngày chúng ta tưởng nhớ đến quá khứ, ôn lại những chuyện đã qua mà chúng ta còn phải nghĩ tới tương lai, tương lai của cộng đồng Việt Nam chúng ta, tương lai của đất nước Việt Nam. Vì vậy xin tất cả vẫn tiếp tục nắm tay vững chắc với nhau để tranh đấu cho Nhân quyền, Tự do cho đồng bào trong nước …”


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại

Triển Lãm "Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại”


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, April 28, 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Măc dù trời mưa nhưng hàng trăm người vẫn đến tham dự buổi triển lãm "Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại”, do Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam tổ chức tại Houston, tiểu bang Texas vào chiều Chủ Nhật ngày 18 tháng Tư năm 2010.

“Kể từ năm 1975, hàng triệu người đã vượt sóng băng rừng, bất chấp đại dương bao la, rừng sâu, biển động chỉ vì 2 chữ Tự Do. Những cuộc hành trình hãi hùng đầy đau thương và nước mắt chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam.'


Đó là lời phát biểu của Nha sĩ Chu văn Cương, vượt biển năm 12 tuổi, và là trưởng ban tổ chức cuộc triển lãm " Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại' tại Houston.
Nha Sĩ Chu văn Cương cho biết Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam do một thuyền nhân vượt biển tìm tự do là kỹ sư Trần Đông sáng lập tại tiểu Bang Victoria, Úc Đai Lợi từ năm 2004 và hiện cũng có trụ sở tại California, Hoa Kỳ. Ông thêm rằng song song với các nỗ lực thu thập tài liệu về thuyền nhân, Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam cũng đã tổ chức 8 chuyến Về Bến Tự Do để tạo điều kiện cho đồng hương về thăm lại các di tích tỵ nạn, trùng tu mồ mả và câu siêu cho các nạn nhân đã chết và Houston là trạm đầu tiên của cuộc triển lãm Thuyền Nhân Việt Nam lưu động trên khắp thế giới trong năm 2010.

“Văn Khố Thuyền Nhân còn tổ chức cho tới nay là 8 chuyến đi “Về Bến Tự Do” để thăm các quốc gia như Mã Lai, TháiLan, Nam dương, thăm lại các trại tị nạn, đồng thời tổ chức lễ cầu siêu cho các linh hồn ở đó…”


Ông Trần Đông vượt biển tìm tự do năm 1989, tị nạn tại đảo Bidong , Mã Lai lúc 37 tuổi trước khi được định cư tại Úc Đại Lợi. Ông Trần Đông cho biết mục đích của Văn Khố Thuyền Nhân là sưu tập tài liệu về các cuộc đi tìm tự do của người Việt sau biến cố 30 tháng tư 1975, để lưu trữ tại các văn khố quốc tế vì đây là những dữ kiện không những quan trọng cho lịch sử Việt Nam mà cũng rất quan trọng cho lịch sử nhân loại của toàn thế giới. Ông cũng nhấn mạnh là cuộc triển lãm các tài liệu này không phải là để nhắc lại hận thù mà là để cho chúng ta cũng như các thế hệ mai sau biết được giá trị của tự do.

“Mục đích của cuộc triển lãm không phải là khơi lại niềm đau dĩ vãng , không phải lả để khơi lại sự hận thù. Buổi triển lãm thuần túy là một sự kiện xã hội, lịch sử, nhắc nhở nhau một giai đoạn bi hùng, một thực tế sinh động tạo nên một bước ngoặc to lớn trong vòng lịch sử 4 ngàn năm của dân tộc Việt Nam và là một tổ quốc đầy ý nghĩa của lịch sử nhân loại”


Trong ánh nến lung linh tại khu triển lãm, thời gian như ngưng đọng khi mọi người cùng im lặng cầu nguyện cho những người bất hạnh trên đường đi tìm tự do. Luật sư Nguyễn Mỹ Linh, một trong những thuyết trình viên của buổi triển lãm đã chia sẻ rằng trong thời gian làm luật sư di trú tại Úc, Bà đã biết được là chính những cái chết thương tâm của hàng trăm ngàn người trên biển cả, những câu chuyện thương tâm của những người bị hải tặc hãm hiếp là lý do khiến các nước Tự do đã thay đổi chính sách di trú để đón nhận người tị nạn:

“Chính vì cái chết của hàng trăm ngàn người đã nằm xuống lòng biển cả. Chính vì những câu chuyện thương tâm của những người đã từng bị hãm hiếp. Chính vì những ngôi mồ tập thể vẫn còn nằm lại ở Mã Lai, ở Nam Dương… mà các nước như Úc, như Hoa Kỳ, và nhiều nước khác mở rộng chính sách di trú của họ để đón tiếp những người Việt Nam tị nạn”


Trong các người xem triển lãm có cô Lệ Hằng là một thuyền nhân vượt biển năm 1980 vào được Thái Lan sau những lần bị hải tặc cướp bóc đã tâm sự là nhớ lại cảnh vượt biển cô vẫn còn sợ nhưng Cô rất vui vì ngày nay Cô có cuộc sống an lành và Cô cảm ơn ban tổ chức đã cho Cô có cơ hội thấy lại những hình ảnh cũ:

“Ngày xưa mình đã cực khổ, bây giờ có một sự họp mặt để nhớ tưởng lại bà con làm em rất cảm động. Nhớ lại thì sợ …”


Một thuyền nhân khác là anh Nguyễn Trung Lễ đã kể lại sau khi cha anh ra khỏi trại tù thì mấy cha con cùng vượt biển năm 1979 nhưng khi đến được Mã Lai thì lại bị đuổi nhưng cuối cùng con thuyền đã đến được Nam Dương tị nạn . Anh chia sẻ rằng năm 1954 dân Việt phải chạy nạn công sản và năm 1975 lịch sử lại tái diễn trong những hoàn cảnh nguy hiểm hơn và anh tin rằng người Việt vẫn can đảm ra đi tìm tự do nếu chế độ độc tài vẫn tồn tại.

“Năm 1954 đã có một cuộc di tản của dân tộc mình để tránh chế độ Công sản rồi đến năm 1975 thì lại một lần nữa nhiều triệu người bất chấp hải tặc, sóng gió cũng chấp nhận những nguy hiểm để chạy trốn một chế độ thì theo cái đà như vậy, nếu một chế đô như vậy được lập lại thì người Việt sẽ tìm mọi cách, chịu mọi sự nguy hiểm để vượt thoát”


Hằng trăm chứng tích bi thương của thuyền nhân đã được trưng bày. Nhiều đồng hương đã không ngăn được những xúc động bất ngờ khi xem triển lãm thấy được hình ảnh của chính họ và thân nhân trong trại tị nạn hay tìm ra tung tích của những người thân đã mất tích.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Ra mắt sách: Từ Bauxite Đến Uranium

Ra mắt sách "Từ Bauxite đến Uranium" và hội luận về việc khai thác Bauxite tại Việt Nam


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh ngày Thứ Tư, April 21 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Chiều Chủ Nhật ngày 18 tháng Tư, năm 2010 một buổi ra mắt tác phẩm “Từ Bauxite đến Uranium” của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, Tiến sĩ Phạm Văn Song và học giả Trần Minh Xuân đã được tổ chức tại Houston với sự hiện diện của nhiều quan khách. Buối ra mắt sách cũng là một buổi hội luận về ảnh hưởng của dự án Bauxite vào chính trị, văn hóa và an ninh của Việt Nam.

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đại diện cho 3 tác gỉả, đã có mặt trong buổi ra mắt sách. Người điều hợp chương trình là ông Nguyễn Trẩn Quý, giới thiệu tác giả Mai Thanh Truyết là một chuyên gia tốt nghiệp tại Pháp, đang làm việc tại California, có nhiều kinh nghiệm về địa chất và môi sinh cũng như có nhiều tác phẩm nghiên cứu đã được xuất bản.

“Từ khi đến Mỹ đến nay ông Mai Thanh Truyết đã giữ nhiều chức vụ trong guồng máy của chính quyền Hoa Kỳ. Ông là chủ tịch của hội đồng quản trị Hội Khoa Học Việt Nam. Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đã bỏ rất nhiều thì giờ để nghiên cứu và viết rất nhiều những bài khảo cứu giá trị…”


Tác giả Mai Thanh Truyết cho biết nhóm ông đã bắt đầu công cuộc nghiên cứu về dự án Bauxite tại ViệtNam khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành nghị quyết 197, cho phép Trung Quốc khai thác Bauxite tại cao nguyên Trung Phần. Ông và các vị đồng tác giả trình bày kết quả của cuộc nghiên cứu trong tác phẩm “Từ Bauxite đến Uranium”, nêu lên những nghịch lý về kinh tế, xã hội, môi sinh và kỹ thuật của dự án Bauxite Viet Nam và đi đến kết luận là việc khai thác Bauxite chỉ là một dàn cảnh để che dấu sự xâm lăng ngầm của Trung Quốc vì họ nhằm vào các mỏ quặng Uranium tại vùng này và họ đang có dụng ý xâm lấn từng phần vùng cao nguyên Trung Phần Việt Nam mà mọi người cần cảnh giác.

“Nhân từ nghị quyết 197 của Thủ tướng Cộng sản Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2008, nói về việc giao cho Trung Cộng khai thác Bauxite, thì từ đó chúng tôi theo dõi những cái tiến trình xây dựng cũng như những vấn đề môi trường. Kết luận của chúng tôi là vấn đề khai thác Bauxite của Trung Cộng chỉ là cái diện nhưng cái điểm chính là không phải vấn đề đó. Đó là bài toán mà chúng tôi cố gắng để chia sẻ với cộng đồng Houston hôm nay”


Sinh viên dược khoa Phan Hữu Chí là người giới thiệu tác phẩm nói rằng cuốn sách này nói lên những bí ẩn trong dự án Bauxite tại Việt Nam và có giá trị như một bó đuốc soi đường cho tuổi trẻ để biết hiện tình đất nước:

“Cuốn sách có giá trị như một bó đuốc để soi đường cho tuổi trẻ và hướng dẫn những người tuổi trẻ như chúng tôi để hiểu rõ mình sẽ làm gì cho quê hương, đất nước và dân tộc”


Bình luận về một nguồn tin gần đây là ngân hàng Citi Bank tại Hoa Kỳ loan báo sẽ đầu tư 200 triệu mỹ kim vào dự án Bauxite Viet Nam, TS Mai Thanh Truyết tỏ ý nghi ngờ, không tin đây là một việc đầu tư thực sự mà chỉ là một mánh khóe chính trị nhằm đánh lạc hướng sự chống đối của mọi người. Ông thêm rằng ông cần tìm hiểu và ông khằng định là nếu quả thực Citi Bank có việc đầu tư này thì ông sẽ phản kháng lên các giới có thẩm quyền với tư cách một công dân Hoa Kỳ vì Chính phủ Hoa Kỳ đang dùng tiền thuế của dân chúng để tài trợ cho Citi Bank qua khỏi sự phá sản.

“Chúng tôi nhìn vấn đề này dưới tính cách chính trị nhiều hơn là kinh tế. Với tư cách của một người đóng thuế cho chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi hoàn toàn không đồng ý và nếu đó là một ký ước thực sự giữa Citi Bank và Việt Nam thì chúng tôi với tư cách là một công dân sẽ lên tiếng phản đối”

Trong số những người tham dự buổi họp mặt, bà Lê Niệm nói lên sự quan tâm của bà là làm sao để nhà nước Việt Nam biết được kết quả cuộc nghiên cứu này để họ có những hành động thích ứng:
SB

Buổi hội luận có lúc sôi nổi và có nhiều ý kiến khác nhau về hậu quả của những dàn xếp chính trị nhằm vào các tài nguyên của Việt Nam, nhất là các mỏ Uranium cũng như những mối e ngại của mọi người trước viễn ảnh Việt Nam đang trở thành một Tây Tạng thứ hai và những phương thức bảo vệ đất nước trước những âm mưu chính trị đó.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Nguyễn Thị Vinh - 60 Năm Văn Học

Nguyễn Thị Vinh: 60 Năm Văn Học


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, Apri 14 - 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Một buổi họp mặt văn nghệ để vinh danh 60 Năm Văn Học của Nhà văn Nguyễn Thị Vinh và ra mắt tác phẩm Thương Yêu của bà đã được tổ chức vào chiều Chủ nhật ngày 28 tháng 3, năm 2010 tại Houston với sự tham dự của nhiều văn nghệ sĩ. Nguyễn Thị Vinh đang định cư tại thành phố Oslo, Vương Quốc Na Uy, và bà là một nhà văn kỳ cựu với rất nhiều tác phẩm giá trị đã được xuất bản tại Việt Nam, Na Uy và Hoa Kỳ và được nhiều người biết đến.

Trong phần giới thiệu tác giả, với tư cách là môt người thân của Nguyễn Thị Vinh, nhà văn Hồng Diệp chia sẻ là Tác giả Nguyễn Thị Vinh là một phụ nữ đẹp, hiền dịu nhưng lại có những tư tưởng cấp tiến về công bằng xã hội, về thân phận của đàn bà, những tư tưởng hiếm thấy ở một phụ nữ sinh ra trong thâp niên 1920. Vẫn theo diễn giả Hồng Diệp thì sau biến cố 1975, Nguyễn Thị Vinh phải gác bút, chật vật đi bán hàng rong để nuôi cháu, nuôi chồng đi “tù cải tạo” và mãi đến năm 1984 bà mới được qua Vương quốc Na Uy tị nạn. Sống ở Na Uy bà sáng tác trở lại và đến năm 1990 cho xuất bản cuốn “ Na-Uy và Tôi”.

“Sau năm 75 Bà Vinh đã làm đủ mọi nghề để sinh sống, bà Vinh đã từng đi bán hàng rong. Ban đêm bà đi bán bánh, bà ấy rao hàng nữa … Đến cuối năm 1990, mẹ tôi báo tin cho tôi biết là bác Vinh ở Na Uy và mẹ tôi đưa cho tôi cuốn sách “NaUy và Tôi”là tác phẩm đầu tiên của bác Vinh in ở Hải Ngoại…”

Tác giả Nguyễn Thị Vinh cũng cho biết tác phẩm Thương Yêu đã được sơ thảo trong thời gian tác giả sống lưu vong tại HongKong cùng nhóm Tự Lực Văn Đoàn và sau này được nhà xuất bản Phượng Giang của Nhất Linh xuất bản lần thứ nhất năm 1955 tại Sai Gòn. Nguyễn Thị Vinh cũng cho biết Thương Yêu đã được dịch ra tiếng Na-Uy và được bộ giáo dục Na-Uy chọn vào làm tài liệu giáo khoa cho học sinh bản xứ.

“Ở bên Hồng Kông, tôi có đưa sách cho nhà văn Nhất Linh đọc. Khi về Sàigon, ông Nhất Linh về Sàigon trước tôi, thì ông Nhất Linh đề nghị tôi đưa tập ấy để in …”

Trong phần giới thiệu tác phẩm , Nhà văn Quý Linh, nói là Thương Yêu là câu chuyện gia đình của 4 anh chị em thương yêu đùm bọc nhau để vươn lên trong một xã hội Việt Nam đầy những bất công, nhất là đối với các phụ nữ. Bà Quý Linh, cũng thêm rằng hoàn cảnh xã hội Việt Nam ngày nay tuy có khác nhưng những bất công vẫn tồn tại và tác phẩm Thương Yêu vẫn là tiếng gọi cần thiết cho tình người.

“Trong tác phẩm Thương Yêu, mỗi chương đều chan hòa ngọn lửa ấm tình thương nhân hậu, giữa người với người. Sự thể hiện của tình thương yêu giữa những người cùng gia đình, giữa những người bạn với nhau và giữa những người sống gần với nhau. Truyện Thương Yêu và cuộc đời của người Việt chỉ khác nhau ở hoàn cảnh và thời đại mà thôi”

Trong phần phát biểu cảm tưởng, bà Phương Hoa, một nhà truyền thông tại Houston, vinh danh tác giả Nguyễn Thị Vinh như một nhà tranh đấu cho nhân quyền, nhất là giới phụ nữ:

“Qua tác phẩm Thương Yêu cũng như các tác phẩm khác của bà, tác giả đã cho phụ nữ một sự tự tin, một sự lạc quan trong cuộc sống. Qua ngòi bút, tác giả Nguyễn thị Vinh đã đấu tranh rất nhiều cho người nghèo, chống độc tài và nhất là nâng cao đời sống của người phụ nữ”

Tác giả Nguyễn Thị Vinh cho biết Bà không phải là một thành viên của Tự Lực Văn Đoàn dù bà có rất nhiều sinh hoạt với nhóm này và nhà Xuất Bản Phượng Giang của Nhất Linh đã xuất bản sách của bà. Bà cũng chia sẻ là nhà văn Nhất Linh lúc ở Sai Gòn đã có ý muốn nhận bà gia nhập Tự Lực Văn Đoàn nhưng lúc đó các thành viên văn đoàn này đã tản mác khắp nơi.

“Thời tôi gặp ông Nhất Linh thì trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn thời trước chỉ còn có một mình ông Nhất Linh. Ông Nhất Linh có nói một câu là ‘giá như còn đủ anh em thì sẽ đề nghị cho tôi vào Tự Lực Văn Đoàn’. Chỉ có thế, chứ tôi không phải trong Tự Lực Văn Đoàn”

Dù đang ở tuổi 84, Nguyễn Thị Vinh vẫn sinh hoạt văn học rất hăng say như một người trẻ tuổi. Nguyễn Thị Vinh đã không dấu được sự xúc động khi đề cập đến sự việc phụ nữ Việt Nam ngày nay phải lấy chồng ngoại quốc để kiếm sống:

Chưa bao giờ tôi thấy có vấn đề nào mà làm cho tôi quá buồn hay quá đau đớn về vấn đề phụ nữ ngày nay là bởi vì gần như là công khai đứng sắp hàng cho người ngoại quốc người ta lựa chọn…”

Trước hàng trăm cử tọa, Nguyễn Thị Vinh nói là tuổi bà đã lớn, bà khẩn thiết kêu gọi giới trẻ hãy tiếp tay với bà, trả lời giùm cho bà tại sao qua bao nhiêu năm dân ta vẫn đói khổ, một câu hỏi bà đã trăn trở suốt 60 năm qua nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

“… nhưng mà do đâu? Vì đâu? Đất nước mình đất đai không thiếu. Người dân thì rất chịu khó, cần cù… dù làm ruộng, dù đi buôn thúng bán bưng nhưng mà tại sao vẫn không đủ ăn ? Do đâu? Do đâu mà chỉ trong cái thời cộng sản vào mà phải chịu những điều như vậy ? Cái điều đó, tôi xin quí vị hãy cùng tôi trả lời giùm tôi …”

Những lời tâm huyết của một nhà văn nữ 84 tuổi với 60 năm văn nghiệp luôn ca tụng tình người và tranh đấu cho công bằng xã hội làm cử tọa đủ mọi lứa tuổi ngậm ngùi thương cảm và thán phục tinh thần dấn thân của tác giả Thương Yêu.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Lễ Chiêm Bái Tượng Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới tại Houston

Lễ Chiêm Bái Tượng Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới tại Houston


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, April 7th - 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Vào tối thứ sáu, ngày 26 tháng 3, năm 2010 Lễ Chiêm Bái Tượng Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới đã được khai mạc long trọng tai Trung Tâm Phật Giáo – Chùa Việt Nam tại vùng Tây Nam Thành phố Houston, tiểu bang Texas với trên dưới 5 ngàn người tham dự, trong số đó có khoảng 300 tăng ni đến từ nhiều nơi trên thế giới, phái đoàn Phật tử từ các tiểu bang của Hoa Kỳ, và nhiều cư dân Houston không phân biệt tôn giáo.

Theo Ban Tổ chức, Phật Ngọc do ông bà Ian và Judy Green ở Úc Châu phát tâm cúng dường và được kiến tạo từ một khối ngọc thạch nặng khoảng 18 tấn, được khai quật tại một mỏ ngọc ở miền Bắc Canada. Khối ngọc này đã được đưa về Thái Lan để điêu khắc trong thời gian 5 năm; đến đầu năm 2009, pho tượng đã hoàn thành. Tượng Phật, kể cả pháp tòa và đài sen, cao 4m85, nặng 5 tấn.

Pho tượng hiếm quý này sau khi hoàn tất đã được trưng bày tại nhiều nơi ở Việt Nam và nước Úc trước khi qua Hoa Kỳ và đã thu hút khoảng 4 triệu người đến chiêm bái. Tại Hoa Kỳ pho bảo tượng này cũng đã được luân lưu nhiều nơi trên các tiểu bang California và Florida trước khi đến Houston nhân dịp Trung Tâm Phật Giáo – Chùa Việt Nam tổ chức Lễ Hội Quan Âm lần thứ 10.

Ông Ian Green đã nói bảo tượng này được Latma Zopa Rinpoche đích thân chuẩn định mô hình và đặt tên là Phật Ngọc cho Hòa Bình Thế Giới và chủ đích của việc triểm lãm Phật Ngọc khắp nơi trên thế giới là để mọi người có cơ hội chiêm ngưỡng pho bảo tượng và phát sinh lòng từ bi và sự an lạc, cùng cầu nguyện cho hòa bình vì thế giới đang có quá nhiều chiến tranh, thiên tai và đau khổ.
SB Ian Green


Ngay sau khi cắt băng khánh thành, nghi lễ Nhất Niệm Nhất Bái trước pho bảo tượng của chư tăng ni và phật tử đã được cử hành rất trang nghiêm và cảm động. Qua lời tụng niệm, cuộc đời của Đức Phật Thích Ca đã được kể lại bằng Anh ngữ và Việt ngữ.
SB: Lể Nhất Niệm Nhất Bái


Buổi lễ đã có sự hiện hiện của nhiều vị cao tăng trong hàng Giáo Phẩm Việt Nam hải ngoại. Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Thượng thủ giáo hội tăng già thế giới đã tán dương công đức của ông bà Green cũng như của các vị tăng ni và đại chúng đang góp phần cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới và quê hương Việt Nam.

“Chúng ta có duyên lành là nhờ hồng ân của tam bảo. Tán dương công đức của HT viện chủ đã góp tâm cung nghinh Phật Ngọc để toàn thể chúng ta được chiêm ngưỡng”


Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh,Viện Chủ Trung Tâm Phật Giáo - Chùa Việt Nam đã chia sẻ ước vọng tha thiết của ông trong nỗ lực cung thỉnh pho bảo tượng về Houston trong dịp Lễ Hội Quan Âm hàng năm của Chùa Việt Nam để mọi người có cơ hội chiêm bái, góp phần cầu nguyện cho một thế giới hòa bình:

"Trước thiên tai, trước chiến tranh, trước khủng bố, trước bao nhiêu sức mạnh hũy hoại thì hình ảnh Phật Ngọc cho Hòa Bình là một đáp ứng cho niềm "khát vọng sâu xa của chính mình đối với cái ước mơ cho một đời sống an lạc hòa bình cho mỗi và mọi người ở trên mặt đất này, mà đó cũng là tâm nguyện của chúng tôi khi cung nghinh Phật Ngọc cho Hòa Bình về đây…”


Hướng dẫn môt phái đoàn đại diện hội đồng thành phố Houston đến tham dư, Nghị viên Hoàng Duy Hùng nói là ông đã từng dự nhiều buổi lễ tôn giáo nhưng chưa bao giờ ông thấy xúc động như lần này:

“… và cũng là để cho các nghị viên cũng như hội đồng thành phố được thực nghiệm một văn hóa, một tín ngưỡng khá là đặc sắc…”


Trong khi đó, Sư Cô Thanh Lương thuộc chùa Viên Thông tại Houston chia sẻ sự vui mừng được đảnh lễ Phật Ngọc và Sư Cô tin rằng nơi nào có sự hiện diện của Phật Ngọc nơi đó có bình an:

“Sự xuất hiện của Ngọc Phật ở nơi nào thì nơi đó được đem đến sự bình an …”

Bà Aline, một Phật tử Hoa Kỳ nói rằng buổi lễ đã mang mọi người trên thế giới gần lại nhau để cùng cầu nguyện cho Hòa Bình :
SB Bà Aline

Một phật tử kỳ cựu tại chùa Việt Nam là Bác Tâm Đạo đã xúc động trước quang cảnh trang nghiêm của buổi lễ:

“Chưa bao giờ tôi thấy được một buổi lễ như vậy. Hàng ngàn hàng ngàn người đều chấp tay tụng niệm một cách rất là trang nghiêm, kính cẩn…”

Phật Ngọc đã được trưng bày tại Chùa Việt Nam cho đến hết ngày 4 tháng 4 năm 2010 và đã thu hút rất nhiều Phật tử và cư dân Houston . Sự hiện diện của Phật Ngọc đã là một yếu tố tích cực mang lại sư an bình và hoan hỉ cho những người đến chiêm ngưỡng.

Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

Ngày Khai Trương Tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Houston

Ngày Khai Trương Tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Houston.


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, March 31 - 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Trong năm 2009, Bộ ngoại giao Việt Nam đã loan báo là Việt Nam sẽ mở tòa Tổng Lãnh Sự tại thành phố Houston, thuộc bang Texas vào tháng 9 năm 2009. Tuy nhiên vì không có những thông báo chính thức thông thường khi hai quốc gia mở một cơ sở ngoại giao, người Việt Houston đã phải dò hỏi và biết tin là vào ngày 25 tháng 3, năm 2010, Tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Houston sẽ khánh thành để chính thức mở cửa và họ đã đến biểu tình tại trụ sở Tòa Tổng Lãnh Sự.

Các cơ quan truyền thông tiếng Việt đã loan tin Tòa Tổng Lãnh Sự tọa lạc trên lầu 11 của một cao ốc trong khu Galleria là một khu thương mại sang trọng tại Houston. Ngày khai trương của tòa Tổng Lãnh Sự đáng lẽ đã diễn ra âm thầm nếu không có sự biểu tình của khoảng một ngàn người Việt vào sáng ngày 25 tháng 3, năm 2010 với rất nhiều Cờ Vàng 3 Sọc Đỏ và biểu ngữ kêu gọi nhà nước Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền và các quyền tự do căn bản, nhất là tự do tôn giáo và ngôn luận cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam.
SB Đoàn Biểu Tình

Đa số những người biểu tình là cư dân Việt tại thành phố Houston và các phái đoàn người Việt từ các tỉnh lân cận như Austin, San Antonio và Dallas thuộc tiểu bang Texas. Một số người đến từ bang California. Trong khi đoàn biểu tình ca hát, hô hào những khẩu hiệu chống đối trước tòa Tổng Lãnh Sự thì trên lầu 11 của khu cao ốc vẫn im lìm. Cuộc biểu tình kéo dài từ 10 giờ sáng tới khoảng 1 giờ chiều và đã qui tụ rất đông đồng hương mọi lứa tuổi và một số cựu chiến binh Hoa Kỳ đã tham chiến tại Việt Nam trước năm 1975.

Ông Vũ Quý Hảo, một người trong đoàn biểu tình, đã chia sẻ rằng ông phải đến đây để kêu gọi nhà nước Việt Nam hãy tôn trọng nhân quyền tại quê nhà nhất là các quyền căn bản là Tự do Tín ngưỡng và Ngôn luận:

“Nhân quyền là gì ? Là Tự do Tôn giáo, là Tự do Ngôn luận…, không phải vì người ta có đạo này đạo kia mà bắt nhốt người ta, không phải vì người ta bất đồng ý kiến với chính quyền mà bắt nhốt người ta… cái đó là vi phạm Nhân Quyền. Hôm nay đến đây, tôi không dám nói đến chính trị, chỉ yêu cầu là có Nhân quyền cho Việt Nam”


Nhiều nhà kinh doanh Hoa kỳ thì đón mừng tin tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam khai trương và họ cho rằng tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Houston sẽ giúp phát triển kinh tế và mậu dịch cho Houston vì Houston có rất nhiều sản phẩm cho thị trường Việt Nam như kỹ nghệ năng lượng và kỹ nghệ không gian. Trong tháng 9 năm ngoái, ông Moseley, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Liên Doanh Phát Triển Houston (Chairman & CEO of Greater Houston Development Partnership) đã nói rằng ông vui mừng trước tin có tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam và ông cho rằng sự phát triển kinh tế sẽ giúp cải thiện tình trạng nhân quyền và tự do tại Việt Nam:
SB: Moseley

Ông Robinson, giám đốc một công ty nghiên cứu địa chất cho các hãng dầu, cho rằng vì Houston là thủ đô dầu hỏa trên thế giới mà kỹ nghệ lọc dầu ở Việt Nam còn yếu kém và do đó sự hiện diện của tòa Tổng Lãnh Sự sẽ giúp cho việc phát triển kỹ nghệ lọc dầu và khai thác dầu tại Việt Nam vì Houston có thể cung ứng các kỹ thuật đó.
SB Robinson

Những người biểu tình bác bỏ quan điểm cho là phát triển kinh tế sẽ sẽ giúp nhà nước Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền và tự do, và họ cho rằng Nhân Quyền và Tự Do phải có trước. Bà Lệ Thanh, một người trong đoàn biểu tình chia sẻ là bà đến để yêu cầu nhà nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền, nhất là Tự do tTn ngưỡng. Bà cũng nhấn mạnh là khi vấn đề tự do chưa sáng tỏ thì những dịch vụ visa, mậu dịch đều vô nghĩa:

“Nếu quyền Tự do Tôn giáo, Tự do Ngôn luận, Tự do của con người mà chưa được sáng tỏ thì họ có mở văn phòng ở đây cũng không có ý nghĩa gì hết cả …”


Một người khác trong đoàn biểu tình là ông Giang đã đồng ý với bà Lệ Thanh khi phát biểu là Việt Nam đang giao thương với nhiều nước trên thế giới nhưng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vẫn không thay đổi:

“Cái chuyện giao thương thì cả thế giới đã giao thương với họ rồi, thế nhưng Nhân quyền vẫn vậy, có thay đổi gì đâu…”


Đoàn biểu tình đã gây sự chú ý của rất đông người qua lại trên đường phố cũng như những người đi mua sắm. Ông Mario, một nhân viên khu thương mại đứng quan sát cuộc biểu tình, đã nhận xét là những người Việt đang tranh đấu cho tự do và đồng ý mọi người phải có tự do tôn giáo. Ông thêm rằng cuộc biểu tình này làm ông biết thêm về tình hình thế giới.
SB Mario


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas.

Người Việt Houston và cuộc Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ 2010

Người Việt Houston và cuộc Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ 2010


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, March 24 - 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn

Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, cứ mỗi 10 năm, chính phủ Hoa Kỳ có nhiệm vụ thực hiện một cuộc Thống Kê Dân Số để làm căn bản cho việc định số dân biểu tại Hạ Viện và điều hành ngân sách liên bang, đáp ứng đồng đều quyền lợi cư dân tại mỗi tiểu bang. Hơn một năm nay, chính phủ Hoa Kỳ đã nỗ lực quảng bá chương trình này trên toàn nước Mỹ và đặc biệt trong các sắc dân thiểu số. Riêng trong cộng đồng người Việt tại Houston cũng có rất nhiều các cuộc hội họp và thông báo trên các cơ quan truyền thông báo chí bằng tiếng Việt để giải thích về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mọi cư dân Hoa Kỳ trong chương trình quan trọng nàỵ. Luật sư Hoàng Duy Hùng, nghị viên thành phố Houston đã giải thích là mọi cư dân cần điền vào phiếu thống kê, nếu không mọi người sẽ thiệt thòi vì chính phủ liên bang sẽ căn cứ trên dữ kiện thống kê dân số để phân phối khoảng 400 tỷ Mỹ Kim mỗi năm, tức là khoảng gần 2000 Mỹ Kim cho mỗi đầu người, trong ngân sách liên bang, nhằm phục vụ dân chúng trong các lãnh vực y tế, giáo dục, xây cất đường xá, vân vân.

“Các ngân sách để kiến thiết về khu vực địa phương đó, tùy theo đầu người. Mỗi đầu người, hàng năm là khoảng 1700 đến 2000 dollars để tân trang đường xá, xây dựng khu housing hoặc là công viên cho người dân ở khu vực đó”



Một số người có lẽ vì còn bị ám ảnh bởi sự theo dõi của công an Viêt Nam khi còn sống tại quê nhà nên ngần ngại trước việc kê khai chi tiết về cá nhân. Tuy nhiên, ông Linh Trần, một chuyên viên điện toán cho rằng vấn đề bảo mật cho mọi cư dân đã được chính phủ rất quan tâm và trong xã hội tự do dân chủ tại Hoa Kỳ mọi người có thể an tâm điền phiếu thống kê mà không sợ bị hậu quả phiền nhiễu như tại Việt Nam

“Hoa Kỳ là một quốc gia tự do và dân chủ thành ra tất cả tin tức về tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, giới tính của mình sẽ được bảo mật một cách tuyệt đối chứ không phải như bên Việt Nam, rồi công an theo dõi … Ở xứ Mỹ này hoàn toàn không có chuyện như thế”



Ông Nguyễn văn Minh cũng đồng quan điểm với ông Linh, rằng pháp luật tại Hoa Kỳ rất rõ ràng, nhân đạo không giống như Việt Nam, ông đã điền phiếu thống kê chẳng có gì phải e ngại cả:

“Đối với đồng hương chúng ta, những người còn đang e ngại, chưa có muốn ghi danh thì không có gì phải sợ. Tôi đã ghi danh và kê khai tất cả người trong gia đình tôi. Ở đây không có giống như bên Việt Nam”



LS Hòang Duy Hùng cũng đồng ý và đã khẳng định vấn đề bảo mật cũng được lưu ý tối đa vì ngay trong chính phủ, chỉ có cơ quan làm thống kê được sử dụng tài liệu này mà thôi và luật pháp cũng có những hình phạt tù giam cho những nhân viên tiết lộ các dữ kiện thống kê dân số ra ngòai và do đó mọi người có thể an tâm.

“Bảo đảm 100% là cơ quan kiểm tra dân số sẽ không tiết lộ bất cứ một điều gì cho bất kỳ một cơ quan nào trong chính phủ luôn”



Đa số cư dân Việt Nam tại Houston đang hưởng ứng cuộc thống kê dân số một cách tích cực. Quản lý một nhà hàng tại Houston là Ông Duyên nói là mới nhận phiếu thống kê , đã điền và gửi đi vì đây là việc cần làm ngay vì quyền lợi thiết thực của mọi cư dân và ông đang cổ động đồng hương cùng tham dự tích cực :

“Chương trình kiểm kê dân số này tôi đã biết cách đây 2 hay 3 tháng trước rồi và tôi đã vận động cho an hem bạn bè là cái chương trình này là phải làm. Đó là quyền lợi thiết thực của mình. Sống ở Hoa Kỳ là phải làm …”



Bà Kim Thanh thuộc hội phụ nữ Houston thì nói là tất cả mọi cư dân cần sốt sắng điền phiếu thống kê để giúp chính phủ Hoa Kỳ kiểm kê dân số dù có quốc tịch hay chưa, vì đó là quyền lợi của mỗi cư dân:

“Tất cả những người Việt Nam mang quốc tịch Mỹ, và tất cả những người chưa có quốc tịch thì đều cần phải làm để đáp ứng cho chính phủ Hoa Kỳ họ biết dân số là bao nhiêu”



LS Hòang Duy Hùng cũng nhắc là măc dù trên nguyên tắc, người dân có thể từ chối không tham dự cuộc thống kê nhưng chính phủ cũng có trách nhiệm gửi người đến từng nhà để giúp đỡ và hỏi cho ra số người cư ngụ tại từng nhà và như thế sẽ tốn kém hơn, và LS Hùng khuyến khích mọi người nên tích cực tham gia để bảo vệ quyền lợi của chính họ:

“Người dân có quyền từ chối không kiểm tra dân số nhưng mà nếu sau 2 tuần khôngnhận thấy sự trả lời từ quí vị, họ sẽ cử người đến gõ cửa hàng ngày. Như vậy là không có sự bắt buộc nhưng nếu quí vị không làm thì chính quyền vẫn có cách để kiểm tra”



Trong tuần này, các mẫu thống kê dân số đã được gửi đến từng nhà và chính phủ đang chờ phúc đáp của dân chúng. Ngày 1 tháng Tư , 2010 là hạn chót để gửi lại phiếu thông kê dân số cho chính phủ. Trong xã hội tự do dân chủ Hoa kỳ, việc thống kê dân số được tổ chức kỹ càng và có các biện pháp bảo vệ tối đa đời tư và quyền tự do của mọi cư dân. Hiểu được giá trị của cuộc thống kê dân số năm 2010 rất quan hệ đến phúc lợi của chính họ, cộng đồng Việt Nam tại Houston cũng đang sốt sắng tham dự cuộc thống kê này.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas