Tuesday, May 25, 2010

Nguyễn Thị Vinh - 60 Năm Văn Học

Nguyễn Thị Vinh: 60 Năm Văn Học


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, Apri 14 - 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Một buổi họp mặt văn nghệ để vinh danh 60 Năm Văn Học của Nhà văn Nguyễn Thị Vinh và ra mắt tác phẩm Thương Yêu của bà đã được tổ chức vào chiều Chủ nhật ngày 28 tháng 3, năm 2010 tại Houston với sự tham dự của nhiều văn nghệ sĩ. Nguyễn Thị Vinh đang định cư tại thành phố Oslo, Vương Quốc Na Uy, và bà là một nhà văn kỳ cựu với rất nhiều tác phẩm giá trị đã được xuất bản tại Việt Nam, Na Uy và Hoa Kỳ và được nhiều người biết đến.

Trong phần giới thiệu tác giả, với tư cách là môt người thân của Nguyễn Thị Vinh, nhà văn Hồng Diệp chia sẻ là Tác giả Nguyễn Thị Vinh là một phụ nữ đẹp, hiền dịu nhưng lại có những tư tưởng cấp tiến về công bằng xã hội, về thân phận của đàn bà, những tư tưởng hiếm thấy ở một phụ nữ sinh ra trong thâp niên 1920. Vẫn theo diễn giả Hồng Diệp thì sau biến cố 1975, Nguyễn Thị Vinh phải gác bút, chật vật đi bán hàng rong để nuôi cháu, nuôi chồng đi “tù cải tạo” và mãi đến năm 1984 bà mới được qua Vương quốc Na Uy tị nạn. Sống ở Na Uy bà sáng tác trở lại và đến năm 1990 cho xuất bản cuốn “ Na-Uy và Tôi”.

“Sau năm 75 Bà Vinh đã làm đủ mọi nghề để sinh sống, bà Vinh đã từng đi bán hàng rong. Ban đêm bà đi bán bánh, bà ấy rao hàng nữa … Đến cuối năm 1990, mẹ tôi báo tin cho tôi biết là bác Vinh ở Na Uy và mẹ tôi đưa cho tôi cuốn sách “NaUy và Tôi”là tác phẩm đầu tiên của bác Vinh in ở Hải Ngoại…”

Tác giả Nguyễn Thị Vinh cũng cho biết tác phẩm Thương Yêu đã được sơ thảo trong thời gian tác giả sống lưu vong tại HongKong cùng nhóm Tự Lực Văn Đoàn và sau này được nhà xuất bản Phượng Giang của Nhất Linh xuất bản lần thứ nhất năm 1955 tại Sai Gòn. Nguyễn Thị Vinh cũng cho biết Thương Yêu đã được dịch ra tiếng Na-Uy và được bộ giáo dục Na-Uy chọn vào làm tài liệu giáo khoa cho học sinh bản xứ.

“Ở bên Hồng Kông, tôi có đưa sách cho nhà văn Nhất Linh đọc. Khi về Sàigon, ông Nhất Linh về Sàigon trước tôi, thì ông Nhất Linh đề nghị tôi đưa tập ấy để in …”

Trong phần giới thiệu tác phẩm , Nhà văn Quý Linh, nói là Thương Yêu là câu chuyện gia đình của 4 anh chị em thương yêu đùm bọc nhau để vươn lên trong một xã hội Việt Nam đầy những bất công, nhất là đối với các phụ nữ. Bà Quý Linh, cũng thêm rằng hoàn cảnh xã hội Việt Nam ngày nay tuy có khác nhưng những bất công vẫn tồn tại và tác phẩm Thương Yêu vẫn là tiếng gọi cần thiết cho tình người.

“Trong tác phẩm Thương Yêu, mỗi chương đều chan hòa ngọn lửa ấm tình thương nhân hậu, giữa người với người. Sự thể hiện của tình thương yêu giữa những người cùng gia đình, giữa những người bạn với nhau và giữa những người sống gần với nhau. Truyện Thương Yêu và cuộc đời của người Việt chỉ khác nhau ở hoàn cảnh và thời đại mà thôi”

Trong phần phát biểu cảm tưởng, bà Phương Hoa, một nhà truyền thông tại Houston, vinh danh tác giả Nguyễn Thị Vinh như một nhà tranh đấu cho nhân quyền, nhất là giới phụ nữ:

“Qua tác phẩm Thương Yêu cũng như các tác phẩm khác của bà, tác giả đã cho phụ nữ một sự tự tin, một sự lạc quan trong cuộc sống. Qua ngòi bút, tác giả Nguyễn thị Vinh đã đấu tranh rất nhiều cho người nghèo, chống độc tài và nhất là nâng cao đời sống của người phụ nữ”

Tác giả Nguyễn Thị Vinh cho biết Bà không phải là một thành viên của Tự Lực Văn Đoàn dù bà có rất nhiều sinh hoạt với nhóm này và nhà Xuất Bản Phượng Giang của Nhất Linh đã xuất bản sách của bà. Bà cũng chia sẻ là nhà văn Nhất Linh lúc ở Sai Gòn đã có ý muốn nhận bà gia nhập Tự Lực Văn Đoàn nhưng lúc đó các thành viên văn đoàn này đã tản mác khắp nơi.

“Thời tôi gặp ông Nhất Linh thì trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn thời trước chỉ còn có một mình ông Nhất Linh. Ông Nhất Linh có nói một câu là ‘giá như còn đủ anh em thì sẽ đề nghị cho tôi vào Tự Lực Văn Đoàn’. Chỉ có thế, chứ tôi không phải trong Tự Lực Văn Đoàn”

Dù đang ở tuổi 84, Nguyễn Thị Vinh vẫn sinh hoạt văn học rất hăng say như một người trẻ tuổi. Nguyễn Thị Vinh đã không dấu được sự xúc động khi đề cập đến sự việc phụ nữ Việt Nam ngày nay phải lấy chồng ngoại quốc để kiếm sống:

Chưa bao giờ tôi thấy có vấn đề nào mà làm cho tôi quá buồn hay quá đau đớn về vấn đề phụ nữ ngày nay là bởi vì gần như là công khai đứng sắp hàng cho người ngoại quốc người ta lựa chọn…”

Trước hàng trăm cử tọa, Nguyễn Thị Vinh nói là tuổi bà đã lớn, bà khẩn thiết kêu gọi giới trẻ hãy tiếp tay với bà, trả lời giùm cho bà tại sao qua bao nhiêu năm dân ta vẫn đói khổ, một câu hỏi bà đã trăn trở suốt 60 năm qua nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

“… nhưng mà do đâu? Vì đâu? Đất nước mình đất đai không thiếu. Người dân thì rất chịu khó, cần cù… dù làm ruộng, dù đi buôn thúng bán bưng nhưng mà tại sao vẫn không đủ ăn ? Do đâu? Do đâu mà chỉ trong cái thời cộng sản vào mà phải chịu những điều như vậy ? Cái điều đó, tôi xin quí vị hãy cùng tôi trả lời giùm tôi …”

Những lời tâm huyết của một nhà văn nữ 84 tuổi với 60 năm văn nghiệp luôn ca tụng tình người và tranh đấu cho công bằng xã hội làm cử tọa đủ mọi lứa tuổi ngậm ngùi thương cảm và thán phục tinh thần dấn thân của tác giả Thương Yêu.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

No comments: