Tuesday, June 1, 2010

Ngôi Làng Mang Tên Versailles - A Village Called Versailles

Ngôi Làng Mang Tên Versailles


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, May 26, 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Sau biến cố 1975, hàng triệu người Việt đã bỏ quê hương đi tìm tự do. Trong số này có nhiều người đã vượt biển ra đi và cuối cùng định cư tại vùng ven biển ngoại ô thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, Hoa kỳ. Trong hơn 30 năm qua, họ tạo lập một làng Việt Nam trù phú với dân số khoảng 6000 người, ngôi làng mang tên Versailles. Dân làng Versailles đã sống yên vui sung túc nhưng thầm lặng, biệt lập và ít người biết đến sự hiện diện của họ nếu không có trận bão Katrina đã tàn phá vùng biển Louisiana năm 2005 và những bất công xảy đến cho họ sau đó.


Cơn bão Katrina gây nhiều thiệt hại về tài sản và nhân mạng cho New Orleans và phá hủy gần như toàn diện làng Versailles. Với tinh thần tự lập và kinh nghiệm qua bao nhiêu lần chạy nạn Cộng sản, những người Việt Nam lại phải một lần nữa xây dựng lại cuộc sống, khắc phục thiên nhiên và họ đã thành công sau vài tháng trong khi đa số dân bản xứ vẫn còn chờ đợi sự giúp đỡ của chính phủ. Trớ trêu thay một tai họa nữa lại đến với họ khi chính quyền quyết định chọn khu đất bên cạnh làng Versailles làm nơi đổ hàng triệu tấn rác do bão Katrina gây ra, có khả năng làm ô nhiễm ngôi làng họ sinh sống từ 30 năm nay. Linh Mục linh hướng Nguyễn Thế Viễn, thuộc giáo xứ Nữ Vương Maria tại làng Versailles giải thích về tình trạng này như sau:

“Thành phố, tiểu bang và liên bang quyết định mở một bãi rác tại ngay cạnh làng chúng tôi, cách khoảng 1 dặm 2. Tầm mức cỡ chừng 100 mẫu Mỹ, tức là khoảng 6 triệu 3 mét khối rác. Họ định mang đến đổ ở đó và chúng tôi phải đứng ra để chống. Và sau 6 tháng tranh đấu, chúng tôi đã thành công…”


Những người dân làng Versailles tuy chất phác hiền lành nhưng kiên trì cho lý tưởng Tự do và Công bình đã cương quyết phản đối những bất công của chính quyền địa phương. Cuộc tranh đấu của họ làm cho người bản xứ xúc động và khâm phục . Cuộc tranh đấu này được đạo diễn Leo Chiang ghi lại qua cuốn phim tài liệu “The Village Called Versailles” tạm dịch là “Ngôi Làng Mang Tên Versailles” . Cuốn phim này được giới thiệu trong tuần qua tại Đai Hoc Rice, một viện đại học nổi tiếng Hoa Kỳ tại Houston trước khi trình chiếu trên đài truyền hình PBS, ( Public Broadcasting Services) cho công chúng vào tối thứ Ba, ngày 25 tháng Năm.

Linh mục Nguyễn Thế Viễn có mặt trong buổi trình chiếu tại Đại Học Rice chia sẻ những khó khăn trong việc tranh đấu để thành phố New Orleans hủy bỏ quyết đinh làm bãi rác bên cạnh làng Versailles:

“Cái khó của mình là tất cả mọi thứ đã được sắp xếp thành chuyện đã rồi từ trong chính quyền thành phố, tiểu bang và liên bang trong khi đó thì tiếng nói của mình nó yếu. Trước đó thì họ (chính phủ) nghĩ là cái đó là cộng đoàn Việt Nam thì để cho họ (chúng tôi) lo, nhưng mà chúng tôi vận động để cho thấy là nó ảnh hưởng đến chúng tôi thì cũng ảnh hưởng đến mọi người chung quanh vì chúng tôi là một phần của nơi đó”


Cuộc tranh đấu cho công lý của những người Mỹ gốc Việt trong một ngôi làng nhỏ bé đã vang động khắp nước Mỹ và các chính khách tại thủ đô Hoa Thinh Đốn cũng như địa phương đã thay đổi lập trường và lắng nghe tiếng nói của họ. Rút tỉa kinh nghiệm của cuộc vận động khó khăn này, linh mục Viễn đã khuyến cáo rằng sống trong một xã hội dân chủ như Hoa Kỳ mọi người cần phải tham gia tích cực vào việc bầu cử và ứng cử để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng:

“… phải tham gia vào dòng chính của xã hội, gồm vấn đề ghi danh để mà đi bầu, đồng thời đóng góp vào trong khía cạnh chính trị…”


Theo linh muc Viễn thì chính những bất công xảy ra tại Versailles là nguồn động lực dẫn đến sư ứng cử và thành công của dân biểu Hạ Viện gốc Việt đầu tiên là Cao Quang Ánh:

“Dân biểu Cao Quang Ánh thuộc vào Công đoàn đó, và chính vì bãi rác đó, cái sự bực tức khi thấy những bất công của xã hội mà ông ấy đúng ra để tranh cử …”


Buổi chiếu phim có sự tham dự của nhiều khán giả Việt Mỹ và khán giả có cơ hội chia sẻ cảm nghĩ và thắc mắc với một thuyết trình đoàn trong đó có linh mục Nguyễn Thế Viễn. Một khán giả người Mỹ là ông Richards nói rằng ông rất chú ý đến sự đoàn kết của cộng đồng dân làng Versailles và thấy là giới trẻ đã tích cực giúp những ngưới lớn tuổi vượt qua các trở ngại ngôn ngữ để đạt được thắng lợi chung:
SB Richards

Một thành viên của tổ chức Thuyền Nhân SOS là Cô Pha Lê, thì hãnh diện sau khi xem phim vì thấy cộng đồng Việt Nam rất gắn bó và các ngưòi trẻ cũng tích cực tham gia trong cuộc tranh đấu:

“Tuổi trẻ đã hợp tác với cộng đồng và đã tiếp tay để làm cho cộng đồng này thành công. Tôi rất hãnh diện sau khi xem phim này”


Một khán giả khác là Luật Sư Võ Hoàng An Phong đồng ý với cô Pha Lê và nhắc lại ý kiến của linh muc Viễn là giới trẻ không nên ngại ngùng làm việc cùng thế hệ lớn tuổi dù có trở ngại về tiếng Việt và nên sẵn sàng tham gia vào chính trị giòng chính.

“… người Việt mình nên đi bầu và cùng lúc đó thì cũng nên nghĩ đến việc ra ứng cử…”


Bà July Coan, giám đốc truyền thông của đài PBS thì rất khâm phục sự kiên trì đoàn kết của cộng động làng Versailles và bà hy vọng rằng mọi người có dịp xem phim này:
SB July Coan

Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

No comments: