Tuesday, May 25, 2010

Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại

Triển Lãm "Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại”


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, April 28, 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Măc dù trời mưa nhưng hàng trăm người vẫn đến tham dự buổi triển lãm "Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại”, do Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam tổ chức tại Houston, tiểu bang Texas vào chiều Chủ Nhật ngày 18 tháng Tư năm 2010.

“Kể từ năm 1975, hàng triệu người đã vượt sóng băng rừng, bất chấp đại dương bao la, rừng sâu, biển động chỉ vì 2 chữ Tự Do. Những cuộc hành trình hãi hùng đầy đau thương và nước mắt chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam.'


Đó là lời phát biểu của Nha sĩ Chu văn Cương, vượt biển năm 12 tuổi, và là trưởng ban tổ chức cuộc triển lãm " Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại' tại Houston.
Nha Sĩ Chu văn Cương cho biết Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam do một thuyền nhân vượt biển tìm tự do là kỹ sư Trần Đông sáng lập tại tiểu Bang Victoria, Úc Đai Lợi từ năm 2004 và hiện cũng có trụ sở tại California, Hoa Kỳ. Ông thêm rằng song song với các nỗ lực thu thập tài liệu về thuyền nhân, Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam cũng đã tổ chức 8 chuyến Về Bến Tự Do để tạo điều kiện cho đồng hương về thăm lại các di tích tỵ nạn, trùng tu mồ mả và câu siêu cho các nạn nhân đã chết và Houston là trạm đầu tiên của cuộc triển lãm Thuyền Nhân Việt Nam lưu động trên khắp thế giới trong năm 2010.

“Văn Khố Thuyền Nhân còn tổ chức cho tới nay là 8 chuyến đi “Về Bến Tự Do” để thăm các quốc gia như Mã Lai, TháiLan, Nam dương, thăm lại các trại tị nạn, đồng thời tổ chức lễ cầu siêu cho các linh hồn ở đó…”


Ông Trần Đông vượt biển tìm tự do năm 1989, tị nạn tại đảo Bidong , Mã Lai lúc 37 tuổi trước khi được định cư tại Úc Đại Lợi. Ông Trần Đông cho biết mục đích của Văn Khố Thuyền Nhân là sưu tập tài liệu về các cuộc đi tìm tự do của người Việt sau biến cố 30 tháng tư 1975, để lưu trữ tại các văn khố quốc tế vì đây là những dữ kiện không những quan trọng cho lịch sử Việt Nam mà cũng rất quan trọng cho lịch sử nhân loại của toàn thế giới. Ông cũng nhấn mạnh là cuộc triển lãm các tài liệu này không phải là để nhắc lại hận thù mà là để cho chúng ta cũng như các thế hệ mai sau biết được giá trị của tự do.

“Mục đích của cuộc triển lãm không phải là khơi lại niềm đau dĩ vãng , không phải lả để khơi lại sự hận thù. Buổi triển lãm thuần túy là một sự kiện xã hội, lịch sử, nhắc nhở nhau một giai đoạn bi hùng, một thực tế sinh động tạo nên một bước ngoặc to lớn trong vòng lịch sử 4 ngàn năm của dân tộc Việt Nam và là một tổ quốc đầy ý nghĩa của lịch sử nhân loại”


Trong ánh nến lung linh tại khu triển lãm, thời gian như ngưng đọng khi mọi người cùng im lặng cầu nguyện cho những người bất hạnh trên đường đi tìm tự do. Luật sư Nguyễn Mỹ Linh, một trong những thuyết trình viên của buổi triển lãm đã chia sẻ rằng trong thời gian làm luật sư di trú tại Úc, Bà đã biết được là chính những cái chết thương tâm của hàng trăm ngàn người trên biển cả, những câu chuyện thương tâm của những người bị hải tặc hãm hiếp là lý do khiến các nước Tự do đã thay đổi chính sách di trú để đón nhận người tị nạn:

“Chính vì cái chết của hàng trăm ngàn người đã nằm xuống lòng biển cả. Chính vì những câu chuyện thương tâm của những người đã từng bị hãm hiếp. Chính vì những ngôi mồ tập thể vẫn còn nằm lại ở Mã Lai, ở Nam Dương… mà các nước như Úc, như Hoa Kỳ, và nhiều nước khác mở rộng chính sách di trú của họ để đón tiếp những người Việt Nam tị nạn”


Trong các người xem triển lãm có cô Lệ Hằng là một thuyền nhân vượt biển năm 1980 vào được Thái Lan sau những lần bị hải tặc cướp bóc đã tâm sự là nhớ lại cảnh vượt biển cô vẫn còn sợ nhưng Cô rất vui vì ngày nay Cô có cuộc sống an lành và Cô cảm ơn ban tổ chức đã cho Cô có cơ hội thấy lại những hình ảnh cũ:

“Ngày xưa mình đã cực khổ, bây giờ có một sự họp mặt để nhớ tưởng lại bà con làm em rất cảm động. Nhớ lại thì sợ …”


Một thuyền nhân khác là anh Nguyễn Trung Lễ đã kể lại sau khi cha anh ra khỏi trại tù thì mấy cha con cùng vượt biển năm 1979 nhưng khi đến được Mã Lai thì lại bị đuổi nhưng cuối cùng con thuyền đã đến được Nam Dương tị nạn . Anh chia sẻ rằng năm 1954 dân Việt phải chạy nạn công sản và năm 1975 lịch sử lại tái diễn trong những hoàn cảnh nguy hiểm hơn và anh tin rằng người Việt vẫn can đảm ra đi tìm tự do nếu chế độ độc tài vẫn tồn tại.

“Năm 1954 đã có một cuộc di tản của dân tộc mình để tránh chế độ Công sản rồi đến năm 1975 thì lại một lần nữa nhiều triệu người bất chấp hải tặc, sóng gió cũng chấp nhận những nguy hiểm để chạy trốn một chế độ thì theo cái đà như vậy, nếu một chế đô như vậy được lập lại thì người Việt sẽ tìm mọi cách, chịu mọi sự nguy hiểm để vượt thoát”


Hằng trăm chứng tích bi thương của thuyền nhân đã được trưng bày. Nhiều đồng hương đã không ngăn được những xúc động bất ngờ khi xem triển lãm thấy được hình ảnh của chính họ và thân nhân trong trại tị nạn hay tìm ra tung tích của những người thân đã mất tích.


Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

No comments: