Friday, January 29, 2010

Houston tưởng niệm các tử sĩ VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa


Houston tưởng niệm các tử sĩ VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa

Tuesday, January 19, 2010






Houston tưởng niệm các tử sĩ VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa



Lễ tưởng niệm các tử sĩ bỏ mình bảo vệ Hoàng Sa trang nghiêm và xúc động.

(Hình: Nguyễn Phục Hưng)




Nguyễn Phục Hưng/Người Việt (Từ Houston, Texas)


HOUSTON, Texas (NV) - Tối Chủ Nhật, 17 Tháng Giêng, 2010, Hội Ái Hữu Hải Quân tại Houston đã tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm các tử sĩ trong trận Hoàng Sa, một trận hải chiến lịch sử của Hải Quân VNCH chống lại sự xâm lăng của Trung Quốc năm 1974.


Trận hải chiến Hoàng Sa xảy ra ngày 19 Tháng Giêng, năm 1974, khi Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu chống lại Hải Quân Trung Cộng để bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Cuộc chiến ác liệt đã gây ra thiệt hại về vật chất lẫn nhân mạng cho cả đôi bên. Riêng về phía VNCH, 74 chiến sĩ Hải Quân đã hy sinh, 16 người bị thương và 48 người bị Hải Quân Trung Cộng bắt làm tù binh. Hạm trưởng chiến hạm HQ-10 Ngụy Văn Thà hy sinh theo tầu.


Cựu Thiếu Tá Hải Quân Nguyễn Ngọc Giang, người đã tham dự cuộc hải chiến Hoàng Sa, trong bài phát biểu nói rằng về phía Trung Cộng, có 2 chiến hạm bị bắn chìm, 2 chiến hạm bị hư hại nặng. Số quân nhân Trung Cộng bị tử thương gồm có 4 hạm trưởng, thì có 3 đại tá, 1 trung tá và tư lệnh mặt trận, tức là tư lệnh phó hạm đội Nam Hải cùng toàn bộ tham mưu của ông đều bị tử thương, gồm có 1 đô đốc, 4 đại tá, 6 trung tá, 2 thiếu tá và 7 sĩ quan cấp úy. Bốn chiến hạm trực tiếp tham chiến thì hoặc là bị chìm hay bị phá hủy sau đó


Lễ tưởng niệm các anh hùng tử sĩ Hoàng Sa đã được Hội Ái Hữu Hải Quân tại Houston năm nay có rất nhiều người Việt tại Houston tham dự, trong đó có một số sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ gốc Việt, nhiều cựu quân nhân thuộc các binh chủng trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa kể cả một số cựu tướng lãnh đã đặt vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh.


Buổi lễ rất trang nghiêm trước bàn thờ thủy tổ Hải Quân với chiêng trống cổ truyền. Ban tổ chức nhắc nhở mọi người là 74 Anh Hùng Tử Sĩ đã hy sinh tại vùng biển Hoàng Sa đã trở thành chứng tích cho chủ quyền của Việt Nam trên vùng lãnh hải này.


Cử tọa đều xúc động khi tên các chiến sĩ hy sinh được xướng lên với từng ngọn nến tượng trưng cho mỗi tử sĩ trong lễ truy điệu.


Lễ tưởng niệm năm nay có nhiều ý nghĩa quan trọng vì những tranh chấp chủ quyền đảo Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam đang trở thành nóng bỏng. Trung Quốc đã loan báo một kế hoạch phát triển Hải Nam thành một trung tâm du lịch trong đó bao gồm cả Hoàng Sa. Theo một bản tin của hãng thông tấn Pháp AFP, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nói rằng hành động của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam” và vẫn theo nguồn tin này, bà Nga cũng nói rằng Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này.


Ðược hỏi về lời tuyên bố của bà Nguyễn Phương Nga, cựu Trung Tá Hải Quân Nguyễn Văn Tòng đang tham dự buổi lễ tưởng niệm, đã cho rằng các lời phản đối chỉ nói cho có lệ để xoa dịu sự bất mãn của nhiều người trong nước .


Anh Lê Bửu, một người trẻ trong cử tọa, cho rằng lễ tưởng niệm là một việc nên làm để nhắc nhở thế hệ trẻ về sự hy sinh của cha anh trong việc bảo vệ đất nước và anh cũng đồng ý là sự phản đối của nhà nước Việt Nam không đủ cương quyết.


Ông Lê Ngọc Danh cho rằng hiện nay Hải Quân Trung Quốc rất mạnh so với Việt Nam nên những lời phản kháng không có hiệu quả. Theo ông nhà nước Việt Nam cần cứng rắn hơn như Việt Nam Cộng Hòa đã làm, dù biết rằng mình yếu hơn. Ông thêm rằng Việt Nam phải vận động mạnh hơn về mặt công pháp quốc tế, vận động sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc và khối ASEAN, tạo bằng chứng là chủ quyền Việt Nam đã bị xâm phạm để mai sau Việt Nam sẽ có thể đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa.


Lễ truy niệm Anh Hùng Tử Sĩ trận hải chiến Hoàng Sa là một dịp nhắc lại cho thế hệ trẻ những sư hy sinh cao cả của các chiến sĩ Việt Nam trong sứ mạng bảo vệ tổ quốc, như Ðề Ðốc Hải Quân Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu chỉ huy trưởng Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải Việt Nam năm 1974, đã viết trong tập hồi ký của ông:


“Sự hy sinh của các thủy thủ can trường vẫn còn là một bằng chứng bằng xương bằng máu để con cháu chúng ta tranh đấu trước tòa án quốc tế để đòi hỏi Trung Cộng phải giao trả các đảo này cho Việt Nam.”

No comments: