Saturday, June 5, 2010

Houston: Buổi Tâm Tình và Ra Mắt Sách Tuổi Thơ và Chiến Tranh của Võ Đại Tôn

Houston: Buổi Tâm Tình và Ra Mắt Sách Tuổi Thơ và Chiến Tranh của Võ Đại Tôn


Tuệ An(*)


Nguồn


Trong chuyến công du 2 tháng tại Hoa Kỳ, từ nước Úc, cựu Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Võ Đại Tôn tức tác giả Hoàng Phong Linh của nhiều tác phẩm Thơ Văn đã ghé lại Houston. Tại đây Ông đã gặp gỡ đồng hương trong “Buổi Tâm Tình và Ra Mắt Sách Tuổi Thơ và Chiến Tranh” vào chiều Chủ Nhật 30 tháng 5, 2010.


“Tôi không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ, ủng hộ tôi. Tôi tiếp tục duy trì lập trường chính trị của tôi (để tranh đấu) cho tự do và giải phóng dân tộc. Tôi đã sẵn sàng nhận bất cứ một bản án nào mà chế độ cộng sản dành cho tôi”


Đó là lời tuyên bố của ông Võ Đại Tôn trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 13 tháng 7 năm 1982 trong một đoạn phim được trình chiếu tại buổi “Tâm Tình và Thơ Nhạc Hoàng Phong Linh – Võ Đại Tôn và ra mắt tác phẩm Tuổi Thơ và Chiến Tranh” do Liên Minh Quang Phục Việt Nam tổ chức tại Houston cuối tuần qua. Đoạn phim do phóng viên Mori của đài Truyền hình Nhật Bản TV-NHK thâu được. Và câu tuyên bố đó của ông Võ Đại Tôn là ngoài sự tiên liệu của nhà nước Việt Nam, và cuộc họp báo chấm dứt ngay sau lời tuyên bố của ông. Sự can cường của ông đã làm thế giới khâm phục nhưng cũng là nguyên nhân khiến ông bị tù biệt giam 10 năm tại trại tù Thanh Liệt với những lần bị tra tấn dã man, cho đến năm 1992 mới được trục xuất về lại Úc Đai Lợi.Là một cựu sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông Võ Đại Tôn và gia đình vượt biển định cư tại Úc năm 1975. Đến năm 1980 ông cùng với những người đồng chí hướng đã trở lại Việt Nam xuyên qua đường bộ Thái Lan, Campuchia và Ai Lao để tham gia kháng chiến phục quốc nhưng bị bắt tại biên giới Lào Việt vào tháng 10 năm 1981.


Giới thiệu tác giả Hoàng Phong Linh và tác phẩm của ông là Luật sư Hoàng Duy Hùng, người cũng đã từng về Việt Nam để mưu cầu phục quốc và cũng đã bị giam cầm trong lao tù của nhà nước Việt Nam gần 2 năm, nói là trong tác phẩm Tuổi Thơ và Chiến Tranh, bài thơ Nước Trôi Mồ Mẹ đã được tác giả viết trong bối cảnh nước lụt dâng tràn, sắp cuốn trôi mồ mẹ của ông, người đã bị cộng sản giết năm 1947, và đã khiến Hoàng Phong Linh liên tưởng đến cơn lụt chính trị đang cuốn trôi cả Mẹ Việt Nam.

“Đó là bối cảnh của một dòng sông, e rằng nước dâng lên trôi luôn cả xương cả cốt của mẹ mình vì cái tội tàn ác của cộng sản Việt Nam, thời kỳ 1946 Việt Minh nổi dậy ở Đà Nẵng. Nhưng mà còn là cái biến cố trôi trong tâm hồn của ông; Việt Nam đau khổ sẽ bị cuốn trôi, cuốn trôi trong dòng nước bạo lực này, giòng nước của bạo tàn… Trong tâm tư đó, ông Võ Đại Tôn đã viết bài đó …”


Trong phần tâm tình với đồng hương, ông Võ Đại Tôn đã kể lại những câu chuyện đau lòng ông đã gặp mà điển hình là chuyện “Miếu Ba Cô”:

“Trên những trạm tỵ nạn hoang vu, tôi đã thấy những ngôi mộ hoang tàn, lạnh lùng, không khói không nhang. Những mộ bia bị đập nát tan, và trong khu rừng âm u, tôi thấy một cái miếu nhỏ. Tôi đã hỏi người Nam Dương cái miếu này là miếu gi. Thì ông ta nói đây là cái miếu của 3 cô gái Việt Nam đã bị hải tặc hãm hiếp và trôi dạt vào bờ, còn sống, họ vớt lên được. Nhưng vì uất hận, nhục nhã, 3 cô gái Việt Nam chưa đầy 20 tuổi đã lén ra ngoài khu rừng treo cổ, tự tử trên nhánh cây. Và người Nam Dương đã lập miếu thờ và gọi là Miếu Ba Cô”


Và chuyện tấm ảnh của các em bé gái Việt Nam 5, 6 tuổi đang làm nô lệ tình dục tại Campuchia, do một người bạn phóng viên của ông gửi cho:

“Một ký giả ngoại quốc quen với tôi đi Campuchia và gửi về cho tôi một tấm ảnh, với giòng chữ viết ‘Hãy nhìn tấm ảnh này để thấy cả dân tộc của anh’. Ông ta chỉ viết như vậy thôi. Tôi lật tấm ảnh ra và tôi bàng hoàng, đấy là hình của 4 người con gái Việt Nam khoảng 6 tuổi, 7 tuổi, ngồi co ro trong một cái vách ở Campuchia và hai chân đầy cả máu. Những người con gái Việt Nam 5, 6 tuổi đã bị bán qua Campuchia để làm công cụ tình dục. Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có chuyện này. Chỉ có dưới chế độ cộng sản ngày nay”


Và ông cũng nói lên ước vọng là muốn trao lại cho giới trẻ tinh thần bất khuất trước bạo lực và được đồng hành cùng thế hệ trẻ, một cuộc hành trình công tâm để dựng lại niềm tin và cùng hy sinh cho Mẹ Việt Nam :

“Thế hệ chúng tôi xin được hòa đồng cùng tuổi trẻ Việt Nam để từ đó chúng ta kết hợp lòng người giữa hai dòng thế hệ, để đòi lại quyền sống cho dân tộc Việt Nam. Tôi xin gửi lại cho các bạn trẻ những máu xương của anh em chúng tôi đã đổ xuống trên chiến trường miền Nam trong quân đội Việt Nam anh hùng nhưng đã bị bức tử sau những cánh cửa khép kín tại Hoa Thịnh Đốn, tại Ba Lê, tại Bắc Kinh và tại Moscow. Anh em chúng tôi đã ngậm ngùi buông súng xuống … nhưng không trao lại cho thế hệ tuổi trẻ những nỗi ngậm ngùi đó, mà xin trao lại cho tuổi trẻ cái tinh thần bất khuất của những người đã dám hy sinh cho tổ quốc.”


Có mặt trong buổi Tâm Tình này, phu nhân của ông Võ Đại Tôn tâm sự là mặc dù bà rất buồn khổ khi ông bị tù đày nhưng so với vợ của các nhà đấu tranh cho Dân Chủ trong nước thì bà còn may mắn hơn nhiều:

“Tôi cũng có sự đau khổ khi phải xa chồng nhưng tôi nghĩ đến những người đàn bà Việt Nam, sống trong hoàn cảnh rất là khó khăn. Cuộc sống đã khó khăn mà tiếng nói lại nhỏ bé, họ không làm gì được …”


Buổi họp mặt có nhiều người trẻ tham dự, nha sĩ Chu Văn Cương chia sẻ là ông Võ Đại Tôn đã đem lại niềm phấn khởi cho giới trẻ Việt Nam và NS Cương cũng đồng ý với quan điểm là các thế hệ phải đồng hành để đạt được sư tín nhiệm của mọi người trong nỗ lực vận động cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền tại Việt Nam:

“Ông Võ Đại Tôn đã đem lại thêm niềm hy vọng cho những người ở đây. Nhờ vậy chúng tôi cảm thấy rất là phấn khởi để tiếp tục con đường đấu tranh mà mình đã chọn. Đây là một đường lối rất tốt và nếu chúng ta thắng được nhân tâm thì chúng ta sẽ đi tới được đoạn đường tốt đẹp hơn…”


(*) Tuệ An là bút hiệu của Hiền Vy và Nguyễn Phục Hưng khi viết chung

Tuesday, June 1, 2010

Ngôi Làng Mang Tên Versailles - A Village Called Versailles

Ngôi Làng Mang Tên Versailles


Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh Thứ Tư, May 26, 2010
Chương trình 10:00 - 11:00 PM (giờ VN)

Nguồn


Sau biến cố 1975, hàng triệu người Việt đã bỏ quê hương đi tìm tự do. Trong số này có nhiều người đã vượt biển ra đi và cuối cùng định cư tại vùng ven biển ngoại ô thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, Hoa kỳ. Trong hơn 30 năm qua, họ tạo lập một làng Việt Nam trù phú với dân số khoảng 6000 người, ngôi làng mang tên Versailles. Dân làng Versailles đã sống yên vui sung túc nhưng thầm lặng, biệt lập và ít người biết đến sự hiện diện của họ nếu không có trận bão Katrina đã tàn phá vùng biển Louisiana năm 2005 và những bất công xảy đến cho họ sau đó.


Cơn bão Katrina gây nhiều thiệt hại về tài sản và nhân mạng cho New Orleans và phá hủy gần như toàn diện làng Versailles. Với tinh thần tự lập và kinh nghiệm qua bao nhiêu lần chạy nạn Cộng sản, những người Việt Nam lại phải một lần nữa xây dựng lại cuộc sống, khắc phục thiên nhiên và họ đã thành công sau vài tháng trong khi đa số dân bản xứ vẫn còn chờ đợi sự giúp đỡ của chính phủ. Trớ trêu thay một tai họa nữa lại đến với họ khi chính quyền quyết định chọn khu đất bên cạnh làng Versailles làm nơi đổ hàng triệu tấn rác do bão Katrina gây ra, có khả năng làm ô nhiễm ngôi làng họ sinh sống từ 30 năm nay. Linh Mục linh hướng Nguyễn Thế Viễn, thuộc giáo xứ Nữ Vương Maria tại làng Versailles giải thích về tình trạng này như sau:

“Thành phố, tiểu bang và liên bang quyết định mở một bãi rác tại ngay cạnh làng chúng tôi, cách khoảng 1 dặm 2. Tầm mức cỡ chừng 100 mẫu Mỹ, tức là khoảng 6 triệu 3 mét khối rác. Họ định mang đến đổ ở đó và chúng tôi phải đứng ra để chống. Và sau 6 tháng tranh đấu, chúng tôi đã thành công…”


Những người dân làng Versailles tuy chất phác hiền lành nhưng kiên trì cho lý tưởng Tự do và Công bình đã cương quyết phản đối những bất công của chính quyền địa phương. Cuộc tranh đấu của họ làm cho người bản xứ xúc động và khâm phục . Cuộc tranh đấu này được đạo diễn Leo Chiang ghi lại qua cuốn phim tài liệu “The Village Called Versailles” tạm dịch là “Ngôi Làng Mang Tên Versailles” . Cuốn phim này được giới thiệu trong tuần qua tại Đai Hoc Rice, một viện đại học nổi tiếng Hoa Kỳ tại Houston trước khi trình chiếu trên đài truyền hình PBS, ( Public Broadcasting Services) cho công chúng vào tối thứ Ba, ngày 25 tháng Năm.

Linh mục Nguyễn Thế Viễn có mặt trong buổi trình chiếu tại Đại Học Rice chia sẻ những khó khăn trong việc tranh đấu để thành phố New Orleans hủy bỏ quyết đinh làm bãi rác bên cạnh làng Versailles:

“Cái khó của mình là tất cả mọi thứ đã được sắp xếp thành chuyện đã rồi từ trong chính quyền thành phố, tiểu bang và liên bang trong khi đó thì tiếng nói của mình nó yếu. Trước đó thì họ (chính phủ) nghĩ là cái đó là cộng đoàn Việt Nam thì để cho họ (chúng tôi) lo, nhưng mà chúng tôi vận động để cho thấy là nó ảnh hưởng đến chúng tôi thì cũng ảnh hưởng đến mọi người chung quanh vì chúng tôi là một phần của nơi đó”


Cuộc tranh đấu cho công lý của những người Mỹ gốc Việt trong một ngôi làng nhỏ bé đã vang động khắp nước Mỹ và các chính khách tại thủ đô Hoa Thinh Đốn cũng như địa phương đã thay đổi lập trường và lắng nghe tiếng nói của họ. Rút tỉa kinh nghiệm của cuộc vận động khó khăn này, linh mục Viễn đã khuyến cáo rằng sống trong một xã hội dân chủ như Hoa Kỳ mọi người cần phải tham gia tích cực vào việc bầu cử và ứng cử để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng:

“… phải tham gia vào dòng chính của xã hội, gồm vấn đề ghi danh để mà đi bầu, đồng thời đóng góp vào trong khía cạnh chính trị…”


Theo linh muc Viễn thì chính những bất công xảy ra tại Versailles là nguồn động lực dẫn đến sư ứng cử và thành công của dân biểu Hạ Viện gốc Việt đầu tiên là Cao Quang Ánh:

“Dân biểu Cao Quang Ánh thuộc vào Công đoàn đó, và chính vì bãi rác đó, cái sự bực tức khi thấy những bất công của xã hội mà ông ấy đúng ra để tranh cử …”


Buổi chiếu phim có sự tham dự của nhiều khán giả Việt Mỹ và khán giả có cơ hội chia sẻ cảm nghĩ và thắc mắc với một thuyết trình đoàn trong đó có linh mục Nguyễn Thế Viễn. Một khán giả người Mỹ là ông Richards nói rằng ông rất chú ý đến sự đoàn kết của cộng đồng dân làng Versailles và thấy là giới trẻ đã tích cực giúp những ngưới lớn tuổi vượt qua các trở ngại ngôn ngữ để đạt được thắng lợi chung:
SB Richards

Một thành viên của tổ chức Thuyền Nhân SOS là Cô Pha Lê, thì hãnh diện sau khi xem phim vì thấy cộng đồng Việt Nam rất gắn bó và các ngưòi trẻ cũng tích cực tham gia trong cuộc tranh đấu:

“Tuổi trẻ đã hợp tác với cộng đồng và đã tiếp tay để làm cho cộng đồng này thành công. Tôi rất hãnh diện sau khi xem phim này”


Một khán giả khác là Luật Sư Võ Hoàng An Phong đồng ý với cô Pha Lê và nhắc lại ý kiến của linh muc Viễn là giới trẻ không nên ngại ngùng làm việc cùng thế hệ lớn tuổi dù có trở ngại về tiếng Việt và nên sẵn sàng tham gia vào chính trị giòng chính.

“… người Việt mình nên đi bầu và cùng lúc đó thì cũng nên nghĩ đến việc ra ứng cử…”


Bà July Coan, giám đốc truyền thông của đài PBS thì rất khâm phục sự kiên trì đoàn kết của cộng động làng Versailles và bà hy vọng rằng mọi người có dịp xem phim này:
SB July Coan

Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas